Điều gì cản trở phát triển bền vững khu công nghiệp?

ThienNhien.Net – Phát triển bền vững là một chủ trương lớn và là mục tiêu quan trọng của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó khu công nghiệp là nhóm đối tượng quan trọng. Tuy nhiên, làm sao để các khu công nghiệp phát triển bền vững, đâu là rào cản và những khuyến nghị cần thiết về mặt chính sách nhằm thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển bền vững? Chia sẻ của TS. Lê Minh Đức, Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương dưới đây sẽ phần nào giải đáp những mối băn khoăn này.

TS. Lê Minh Đức tại buổi chia sẻ về Tranh chấp môi trường do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức chiều ngày 12/8/2013 (Ảnh: ThienNhien.Net)
TS. Lê Minh Đức tại buổi chia sẻ về Tranh chấp môi trường do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức chiều ngày 12/8/2013 (Ảnh: ThienNhien.Net)

– Thưa Tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về lộ trình phát triển khu công nghiệp trên phạm vi cả nước? Yếu tố phát triển bền vững được lồng ghép trong giai đoạn nào của quá trình này?

TS. Lê Minh Đức: Lộ trình phát triển khu công nghiệp có thể tạm chia thành ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (1991-1996), việc phát triển khu công nghiệp gắn liền với công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế. Trong thời kỳ đầu của giai đoạn, chỉ có những địa phương thuận lợi mới phát triển khu công nghiệp; số khu công nghiệp cả nước đến cuối giai đoạn mới có 12 khu, tốc độ tăng trưởng chậm, khoảng 5% năm. Chính sách phát triển khu công nghiệp trong giai đoạn này chủ yếu hướng đến nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Giai đoạn thứ hai (1996-2006) là thời kỳ bùng nổ phát triển khu công nghiệp trên phạm vi cả nước với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, gấp 4 lần giai đoạn trước. Tổng số khu công nghiệp đạt 131 khu sau 10 năm, trung bình tăng 13-15 khu công nghiệp mỗi năm. Sự tăng tốc này bắt đầu ngay sau năm 1996, đặc trưng bởi sự thay đổi trong cơ cấu doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụ thể là bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn chứng kiến nhiều yếu kém trong quản lý môi trường khu công nghiệp, để lại nhiều hậu quả về mặt môi trường cho đến tận ngày nay.

Có thể nói, giai đoạn 1996 – 2006 gắn liền với thời kỳ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và chính sách “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” của nhiều địa phương. Giai đoạn này xuất hiện tình trạng cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp giữa các địa phương, nhiều địa phương không có hoặc có ít lợi thế cạnh tranh buộc phải tạo ra lợi thế bằng cách giảm các điều kiện về môi trường, bỏ qua nhiều ràng buộc theo quy định đối với doanh nghiệp. Đây cũng là thời kỳ thể hiện sự phát triển nôn nóng, hiểu biết còn yếu kém trong quản lý khu công nghiệp dẫn đến thu hút đầu tư bằng mọi giá, thiếu lựa chọn, làm gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Rất nhiều chính sách quản lý môi trường khu công nghiệp được ban hành trong thời kỳ này tỏ ra bất cập, thiếu thực tế. Đơn cử như quy định “tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đến 70% mới phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung”, điều này dẫn đến hệ quả là nhiều khu công nghiệp tuy đi vào hoạt động nhưng không có nhà máy xử lý nước thải. Nhiều khu công nghiệp thậm chí còn cho phép doanh nghiệp đấu nối hệ thống xả thải riêng dẫn tới tình trạng khó quản lý nguồn thải, một số khu công nghiệp do ngân sách địa phương hạn hẹp nên không triển khai hoặc chậm triển khai hạ tầng bảo vệ môi trường đồng bộ. Đặc biệt, chất lượng công tác xây dựng quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành cũng như các điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt thấp, khó thu hút đầu tư, lãng phí đất đai và không đạt được kỳ vọng quản lý môi trường tập trung.

Đồ thị phát triển khu công nghiệp

Giai đoạn thứ ba (sau 2006 – đến nay) là giai đoạn bắt đầu quá trình điều chỉnh chính sách gắn với sự ra đời và có hiệu lực của Luật Bảo vệ Môi trường, đây cũng là thời kỳ phát triển công nghiệp gắn với chủ trương phát triển bền vững. Theo đó, số lượng khu công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, song đã có sự điều chỉnh hướng đến chất lượng đầu tư thay vì chạy theo số lượng. Nhiều địa phương đề ra chính sách phát triển khu công nghiệp hướng vào công nghệ cao, ưu tiên thu hút công nghệ thân thiện môi trường, hạn chế, thậm chí từ chối các ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm cao (như dệt nhuộm, xi mạ, luyện thép, da giày), đồng thời tăng cường quản lý môi trường thông qua việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành nhằm tạo điều kiện giải quyết ô nhiễm.

– Hiện Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững khu công nghiệp chưa, và dự kiến có khoảng bao nhiêu khu công nghiệp đáp ứng được bộ chỉ tiêu này, thưa Tiến sĩ?

TS. Lê Minh Đức: Hiện tại chưa có bộ chỉ tiêu về phát triển bền vững khu công nghiệp.

Trước đây, đã có một số nghiên cứu chuyên đề về khu công nghiệp thân thiện môi trường, khu công nghiệp sinh thái, trong đó, đề cập đến các tiêu chí như: giảm phát thải, trao đổi chất thải, công nghệ sạch và công nghệ cao. Tuy nhiên, điều này mới được lồng ghép phần nào trong các chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp chứ chưa trở thành điều kiện bắt buộc đối với các khu công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Thành phố Đà Nẵng gần đây đề xuất sáng kiến thành lập một trang thông tin về chất thải khu công nghiệp nhằm thúc đẩy trao đổi chất thải giữa các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có thể đưa thông tin về chất thải của đơn vị mình lên trang tin điện tử này, các thông tin đó có thể là mối quan tâm của doanh nghiệp khác, trở thành đầu vào của doanh nghiệp khác theo hướng tận dụng chất thải của khu công nghiệp.

Những năm gần đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số tổ chức quốc tế cũng đưa ra vấn đề trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, lôi kéo các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và bước đầu đã có những kết quả nhất định.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, 58 tỉnh, thành phố đã có khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở 5 vùng: Đông Nam Bộ (chiếm 33%); Đồng bằng sông Hồng (25%); Đồng bằng sông Cửu Long (16%); miền Trung (15%); Trung du miền núi phía Bắc (khoảng 8%); riêng Tây Nguyên chỉ chiếm khoảng 3% tổng số khu công nghiệp. Hiện đã có 179 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 47.300 ha, tỷ lệ lấp đầy chung của cả nước ước đạt 47%.

Có thể nói, ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, các tiêu chí môi trường, công nghệ và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã và đang được từng bước lồng ghép trong các chính sách liên quan. Song, theo tôi, điều này dường như chưa đủ khi xét đến nội hàm phát triển bền vững. Phát triển bền vững khu công nghiệp trước hết và quan trọng nhất phải được xem xét dưới góc độ sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên xã hội. Tài nguyên tự nhiên ở đây gồm đất đai, hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta đã sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai chưa? Tiêu chí bền vững đất đai là gì? Đất đai là tài nguyên tự nhiên, chúng phân bố không đồng đều, có nơi nhiều nơi ít, do đó sự phát triển cũng phải khác nhau và phù hợp với sự phân bố tự nhiên ấy. Song, ở Việt Nam, các địa phương đang phát triển khu công nghiệp theo phong trào, đặt ra các chỉ tiêu giống nhau trong các điều kiện tự nhiên khác nhau, dẫn đến tình trạng lãng phí và mất đi nhiều nguồn lực quý giá.

Việt Nam cũng chưa xem xét đầy đủ khía cạnh hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm hệ sinh thái đặc thù với các năng lực sinh thái tự nhiên vốn có để giữ gìn và phát triển hài hòa. Đơn cử như đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn là khu vực có hệ sinh thái ngập nước theo mùa rất đặc thù thì phát triển công nghiệp phải xem xét đến tính đặc thù này. Các ngành công nghiệp xả nhiều nước thải như công nghiệp hóa chất, giấy, dệt nhuộm… hay các dự án thủy điện vốn tác động nhiều đến nguồn nước và hệ sinh vật thì không nên phát triển ở vùng sinh thái này. Hoặc như đối với Đồng bằng sông Hồng – nơi đặc trưng bởi hệ sinh thái đất phù sa, rất thích hợp cho trồng cây lương thực thì các ngành công nghiệp nói chung, nhất là công nghiệp chiếm dụng nhiều đất canh tác như dệt may, luyện kim không nên phân bố ở đây. Điều này vừa gây lãng phí, vừa tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bẩn nguồn đất phù sa. Hiện các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương đang phát triển quá nhiều khu công nghiệp chiếm dụng nhiều đất canh tác, và xét trên khía cạnh phát triển bền vững thì rõ ràng điều này không phù hợp.

Xét về khía cạnh xã hội, rất nhiều khu công nghiệp cũng không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về xã hội như nhà ở, trường học, cân bằng giới dẫn đến gây áp lực cho địa phương. Các điều kiện về học hành, nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển và khai thác vốn xã hội của địa phương cũng chưa được bảo đảm.

Vì vậy, nếu có một hệ thống chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững khu công nghiệp thì không chỉ bao gồm các chỉ tiêu của bản thân khu công nghiệp đó mà quan trọng hơn cần có các chỉ tiêu vĩ mô nhằm điều tiết các chỉ tiêu cơ sở, có như vậy mới đảm bảo phát triển bền vững. Hiện tại, rất khó đánh giá tính bền vững của khu công nghiệp do chưa xác định được các chỉ tiêu này, hoặc có cũng chưa đầy đủ.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có bộ chỉ tiêu về phát triển bền vững khu công nghiệp (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

– Theo ông, đâu là những bất cập cản trở chiến lược phát triển bền vững khu công nghiệp ở Việt Nam và giải pháp cần thiết cho vấn đề này?

TS. Lê Minh Đức: Phát triển khu công nghiệp hiện nay hầu như mới chỉ quan tâm đến mục tiêu kinh tế, thu hút đầu tư mà chưa xem xét đầy đủ các khía cạnh môi trường và xã hội.

Báo cáo tổng kết 20 năm thành lập khu công nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận: “Chất lượng công tác xây dựng quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành. Nguyên nhân là do việc tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch khu công nghiệp chủ yếu dựa trên cơ sở đề xuất của địa phương hoặc theo đề xuất của nhà đầu tư, chưa có một phương pháp luận khoa học, nghiên cứu lập quy hoạch có tính tới sự phù hợp với các quy hoạch kinh tế – xã hội, phát triển vùng, sử dụng đất, đô thị, kết cấu hạ tầng, các quy hoạch ngành liên quan và các điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng”.

Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở vấn đề thể chế, cách thức trao quyền cho các địa phương. Các địa phương hiện nay chịu áp lực rất lớn về các chỉ tiêu kinh tế và đóng góp ngân sách. Chính cách phân bổ chỉ tiêu này chi phối các quá trình phát triển, làm nhẹ đi các điều tiết vĩ mô từ Trung ương. Nhiều địa phương đặt ra mục tiêu phát triển khu công nghiệp như là cách thức để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và tăng thu ngân sách.

Bên cạnh đó, phát triển khu công nghiệp còn thiếu một chiến lược tổng thể dựa trên các cân đối nguồn lực tự nhiên và xã hội. Các chính sách vĩ mô không chỉ ra được sự khác biệt trong phân bố nguồn lực, các hệ sinh thái đặc thù để từ đó có thể đặt ra các chỉ tiêu phát triển bền vững phù hợp cho vùng và địa phương.

Giải pháp cho vấn đề này trước hết nằm ở các địa phương, các địa phương cần phải gắn kết, hình thành nên các liên kết vùng, ngành rõ rệt. Bên cạnh đó, cần có sự hướng dẫn và điều tiết hiệu quả hơn từ các cơ quan, ban ngành Trung ương.

– Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần nhận được sự hỗ trợ như thế nào để có thể duy trì và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thưa Tiến sĩ?

TS. Lê Minh Đức: Đứng ở góc độ doanh nghiệp, vấn đề không chỉ có nỗ lực theo hướng bền vững của từng doanh nghiệp mà quan trọng hơn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để tạo nên một tổ chức thực sự của khu công nghiệp. Hiệu quả bền vững khu công nghiệp nằm trong chính sự bền vững của tổ chức. Nói cách khác, khu công nghiệp phải là một thực thể có tổ chức chặt chẽ và có tính liên kết cao giữa các doanh nghiệp. Có như vậy mới phát huy được mô hình công nghiệp tập trung với nhiều ưu thế (gồm nhiều doanh nghiệp trong một khu vực giới hạn có hạ tầng đầy đủ), và tạo sự khác biệt với cách phân bố công nghiệp riêng lẻ nằm ngoài khu công nghiệp.

Chân thành cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện thú vị này!