ThienNhien.Net – Với sự gia tăng nhanh chóng về tốc độ và tổng lượng đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, Trung Quốc đang trở thành nhà đầu tư chính xét trên cả quy mô về tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng thủy điện ở Đông Nam Á.
Tính riêng giai đoạn 2006 – 2011, nước này đã đầu tư hơn 6,1 tỷ USD để tăng thêm 2.729 MW công suất điện cho khu vực này.
Khoản đầu tư của Trung Quốc giai đoạn này, gồm cả đầu tư từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), chiếm tới 46% tổng công suất thủy điện bổ sung ở ba nước Campuchia, Lào và Myanmar.
Cùng với đó, các nhà đầu tư Trung Quốc còn đầu tư khai thác nguồn thủy điện trước đây chưa từng được khai phá ở các quốc gia giáp lưu vực sông Mê Kông và Irrawaddy.
Lượng đầu tư của Trung Quốc hiện nay chiếm 6% tổng công suất thủy điện toàn cầu đang xây dựng và 10% công suất bổ sung đã được lên kế hoạch bên ngoài lãnh thổ Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Dự kiến, đa phần lượng điện tương lai phát ra từ các nhà máy do Trung Quốc xây dựng hoặc đầu tư tại hai nước láng giềng Lào và Myanmar sẽ được xuất khẩu sang khu vực năng động thuộc phía Nam nước này.
Đông Nam Á là một trong những vùng kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và cũng là nơi có nhiều tiềm năng thủy điện lớn còn bỏ ngỏ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng đến năm 2018, nhờ thủy điện, các nền kinh tế tương đối nhỏ như Campuchia, Lào và Myanmar sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và đáp ứng được nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng. Bản thân Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng kỳ vọng rằng năm 2030, thủy điện ở ba quốc gia nói trên sẽ chiếm 96% tổng sản lượng điện từ tất cả các nguồn, tăng hơn 16% so với hiện nay. |