ThienNhien.Net – Việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A trong khu bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên “cắt” đi 370 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, gây chia cắt hệ sinh thái
Thế nhưng, nhiều hạng mục thi công với các tác động khá nguy hiểm đã bị chủ đầu tư loại khỏi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đơn cử, ĐTM dự án cho rằng hệ đất đá phục vụ xây dựng được cấp từ các mỏ đang hoạt động nằm ngoài dự án này, hệ thống đường dây tải điện thuộc một dự án khác. Vì thế, hai hạng mục này không thuộc phạm vi ĐTM.
Chơi sang
Nghị định 29 của Chính phủ quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, điều 17 bắt buộc liệt kê, mô tả chi tiết các hoạt động, hạng mục công trình của dự án có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành của từng hạng mục và cả dự án. Đồng thời, Thông tư 26 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29 thì các công trình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập ĐTM.
Theo GS-TS. Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật Việt Nam, để khai thác hàng triệu mét khối đất đá xây dựng công trình phải sử dụng hàng trăm tấn thuốc nổ, gây nhiều tác động xấu đến môi trường, về mặt kỹ thuật hay quy định của luật pháp, chủ đầu tư đều phải làm rõ tác động của hạng mục này và biện pháp khắc phục. Chưa kể, nếu căn cứ vào bản vẽ trong các ĐTM thì vị trí một số mỏ nằm ngay trong ranh giới dự án.
Bên cạnh đó, thủy điện Đồng Nai 6 có 3 hạng mục phụ trợ với diện tích 14 ha: cơ sở nghiền sàng công suất 310.000 m3 đá dăm/năm và 170.000 m3 cát/năm, bãi thải hạ lưu bờ phải khối lượng 2,4 triệu m3, bãi thải tầng phủ cạnh mỏ đá khối lượng 78.000 m3.
Thủy điện Đồng Nai 6A có 3 công trình phụ trợ diện tích 19 ha: cơ sở nghiền sàng công suất 240.000 m3 đá dăm/năm và 120.000 m3 cát/năm, bãi thải bờ phải khối lượng 1,4 triệu m3 và bờ trái 318.000 m3. Các bãi thải cạnh dự án có diện tích và khối lượng rất lớn, lại đặt ngay trên sườn dốc hai bên bờ sông nên nguy cơ sạt lở, rửa trôi xuống sông gây ô nhiễm rất lớn.
Bên cạnh đó, theo chủ đầu tư dự án, cát xây dựng là loại cát xay lấy trên sông Krông Nô cách đó 100 km với 1,3 triệu m3 đất, 360.000 m3 đá.
“Khối lượng đất đá xây dựng công trình lên đến hàng triệu mét khối nhưng thời gian sử dụng dồn vào 2 năm, như vậy ít nhất cần 4 – 5 hệ thống nghiền sàng với công suất 250 – 300 tấn/giờ, giá thành mỗi hệ thống khoảng 10 – 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vật liệu xa hàng chục ki-lô-mét khiến chi phí đội lên rất nhiều. Tôi chưa thấy doanh nghiệp nào dám “chơi sang” như vậy cả!” – GS-TS. Tiến nhận xét.
Phát điện không cần đường dây?
Để đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia, chủ đầu tư đưa ra phương án kết nối: Xây dựng tuyến đường dây 220 KV dài khoảng 9,5 km từ trạm phân phối thủy điện Đồng Nai 6A về thủy điện Đồng Nai 6A và xây dựng tuyến đường dây 220 KV dài khoảng 7,5 km từ trạm phân phối thủy điện Đồng Nai 6A về trạm Đắk Nông – Phước Long.
Danh mục ban hành kèm Nghị định 29 của Chính phủ về các dự án phải lập ĐTM có dự án xây dựng các tuyến đường dây tải điện, trạm điện từ 110 KV trở lên. Bên cạnh đó, theo quy định an toàn của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, chiều rộng hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không được giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng về hai phía của đường dây, song song với đường dây, có khoảng cách từ dây ngoài cùng về mỗi phía là 6 m đối với lưới điện 220 KV. Như vậy, để thi công tuyến dây này phải phát quang hành lang rộng ít nhất 15 m (chiều rộng lưới điện 4 dây cộng hành lang an toàn), diện tích đất rừng phải mất thêm tối thiểu là 25,5 ha rừng, ngoài 370 ha rừng xây dựng hai nhà máy thủy điện.
“Đầu tư nhà máy thủy điện mà lại không đầu tư đường dây! Hay là chủ đầu tư chỉ phát điện xài mà không bán?” – TS. Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, thắc mắc. Theo TS. Tứ, các hạng mục mỏ đất – đá, đường dây đã được Hội đồng Thẩm định báo cáo ĐTM lần 1 yêu cầu chủ đầu tư bổ sung làm rõ nhưng chủ đầu tư vẫn bỏ qua.
L.T.S: Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa nộp lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo được làm lại lần thứ ba nhưng đơn vị thực hiện vẫn đưa ra các lập luận sai lệch về chuyên môn, thậm chí cả kiến thức cơ bản. |
Vẫn “cắt – dán” Các chuyên gia của Nhóm Yêu quý bảo vệ Cát Tiên cũng chỉ ra những lỗi khá hài hước trong báo cáo ĐTM lần này. Đơn cử, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A có quy mô diện tích, công suất lắp máy hoàn toàn khác nhau nhưng kết cấu đê quai hệt nhau thì chỉ có từ một bản sao chép ra mà thôi. Hoặc như mục nói về sự cố động đất kích thích, hai công trình này cách nhau hàng chục ki-lô-mét nhưng vẫn cách đới đứt gãy Tuy Hòa – Củ Chi “khoảng 5 km” thì khó mà tin được. Ở mục giám sát cá và thủy sinh cả hai công trình, vị trí giám sát đều là khu vực lòng hồ nhưng hai hồ chứa cách nhau đến vài chục ki-lô-mét mà cùng 1 tọa độ X: 1301667,19, Y: 378701,19 thì không thể chấp nhận được. |