ThienNhien.Net – “Dự án thủy điện Ea K’tuor nằm trong vườn quốc gia do Thủ tướng xác lập. Vì vậy, Thủ tướng đồng ý thì mới được làm”. Ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về phát biểu của ông Hoàng Ðình Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nguyên, chủ đầu tư dự án thủy điện Ea K’tuor: “Chúng tôi đã có đầy đủ các văn bản đồng ý của cơ quan chức năng cho xây dựng thủy điện Ea K’tuor. Sau khi tiến hành đánh giá tác động môi trường và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng”?
– Ông Trần Thế Liên: Tôi không hiểu ông Tuấn căn cứ vào đâu mà nói rằng Công ty TNHH Hoàng Nguyên đã có đầy đủ văn bản đồng ý của các cơ quan chức năng.
Nếu muốn xây dựng thủy điện trong các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các VQG, khu bảo tồn do Thủ tướng ra quyết định thành lập thì trước tiên phải trình Thủ tướng để xin chủ trương theo quy định pháp luật hiện hành tại các điều 16, 18 của Nghị định số 117/2010/NÐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng.
Ðối với thủy điện Ea K’tuor, dự án này nằm trong VQG do Thủ tướng xác lập, vì vậy thủ tục phải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trình Thủ tướng. Nếu Thủ tướng đồng ý thì dự án mới được triển khai.
Hồ sơ của dự án thủy điện Ea K’tuor đã trình Bộ NN-PTNT chưa, thưa ông?
– Ðến giờ, Tổng cục Lâm nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về dự án này.
Nếu UBND tỉnh Ðắk Lắk “trải thảm đỏ” mời gọi Công ty TNHH Hoàng Nguyên đầu tư vào dự án nhưng Bộ NN-PTNT bác bỏ thì dự án này có được thực hiện?
– Tôi cho rằng đây là công trình thủy điện có công suất rất nhỏ mà lại nằm trong phân khu nghiêm ngặt của VQG Chư Yang Sin. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là dù UBND tỉnh Ðắk Lắk có mời chào, dự án cũng không thể thực hiện được.
Ngay từ năm 2006, Bộ NN-PTNT đã có công điện đề nghị tỉnh Ðắk Lắk cũng như Sở NN-PTNT tỉnh Ðắk Lắk; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðắk Lắk và VQG Chư Yang Sin không cho thực hiện dự án thủy điện Ea K’tuor.
Ðâu là lý do Bộ NN-PTNT đã bác bỏ dự án Ea K’tuor?
– Từ tháng 8-2005, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Hà Công Tuấn (nay là thứ trưởng Bộ NN-PTNT – PV) đã ký công văn gửi VQG Chư Yang Sin, theo đó, Cục Kiểm lâm thống nhất với đề nghị của VQG về việc không được xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor ở suối Ea K’tuor, xã Cư Pui vì khu vực dự kiến xây dựng nằm trong phân khu nghiêm ngặt của VQG Chư Yang Sin.
Tiếp đó, tháng 5-2006, ông Hà Công Tuấn thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Ðức Phát đã tiếp tục có công điện gửi Sở NN-PTNT tỉnh Ðắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm Ðắk Lắk, VQG Chư Yang Sin. Công điện nêu rõ: Việc Công ty TNHH Hoàng Nguyên xây dựng nhà máy thủy điện tại suối Ea K’tuor, xã Cư Pui, khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Chư Yang Sin phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm, phải tạm dừng các hoạt động tác động tiêu cực đến bảo tồn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Vậy kể cả khi nhà máy thủy điện này giảm công suất thiết kế từ 7,5 MW xuống 5 MW cũng không được thông qua, thưa ông?
– Việc điều chỉnh này nhằm giảm thiểu tác hại của dự án đến rừng và môi trường. Tuy nhiên, về vị trí địa lý thì dự án này nằm ở trong phân khu nghiêm ngặt nên rất khó có thể thực hiện được. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng; các hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã; gây ô nhiễm môi trường…
Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường, liệu dự án Ea K’tuor có được thực hiện?
– Tôi cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhất là dự án triển khai tại VQG thì họ sẽ phải cực kỳ thận trọng. Dù bất cứ lý do gì cũng khó có thể biện luận để cho rằng dự án thủy điện này có hiệu quả cao để được triển khai.
Tôi xin khẳng định: Với vị trí mà dự án này định triển khai là khu vực cực kỳ nhạy cảm. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải hết sức thận trọng khi đánh giá và rất khó để có thể trình dự án này lên Thủ tướng để cho thực hiện.
Nếu UBND tỉnh Ðắk Lắk đồng ý, còn VQG nói không thì sao?
– Ðiều quan trọng nhất trong xây dựng công trình thủy điện phải được sự đồng ý của chủ rừng. Trường hợp này là VQG Chư Yang Sin. Theo quy trình, công đoạn đầu tiên là VQG phải có tờ trình đồng ý để làm thủy điện. Nếu VQG Chư Yang Sin không đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng rừng thì dự án thủy điện Ea K’tuor không đủ hồ sơ và không có căn cứ pháp lý để triển khai.
Chủ đầu tư quá chủ quan Về phát biểu của ông Hoàng Ðình Tuấn: “Ðể báo chí viết thoải mái rồi chúng tôi làm” (Báo Người Lao Ðộng số ra ngày 24-8), ông Trần Thế Liên cho rằng: “Ðây là phát biểu hết sức chủ quan. Dự án này chắc chắn sẽ không thể hợp lòng dân. Chắc chắn các cơ quan chức năng và kể cả các cơ quan quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ không thể cho phép dự án này được triển khai”. |