ThienNhien.Net – Trong tương lai gần, nhiệt độ sẽ tăng từ 0,3 – 0,7oC và sẽ tăng 4oC vào cuối thế kỷ XXI. Lượng mưa sẽ có thay đổi theo xu thế nóng lên toàn cầu…
“Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, trong khuyến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đề nghị có những ưu tiên đặc biệt cho ngành nông nghiệp” – GS-TS. Trần Thục – Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường cho biết.
Khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng
Hội thảo “Cơ sở khoa học xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cho Việt Nam – phiên bản 2015” vừa được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội. GS-TS. Trần Thục cho hay:
“Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2009, 2011. Các kịch bản BĐKH được xây dựng dựa trên kịch bản phát thải khí nhà kính và kịch bản BĐKH toàn cầu của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Đây là cơ sở quan trọng phục vụ việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động tiềm tàng của BĐKH”.
Trong bản báo cáo lần thứ 5 của IPCC về giới thiệu kịch bản BĐKH, nước biển dâng có đánh giá: Tốc độ BĐKH gia tăng theo hướng cực đoan hơn so với các đánh giá trước đây, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ cao gia tăng mạnh mẽ. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên rõ rệt, tốc độ tăng cao lên so với trước đó. Lượng mưa cũng thay đổi rõ rệt, có một số vùng lượng mưa tăng, một số vùng giảm, biểu hiện rõ rệt trong 30 năm trở lại đây. Như vậy, sự thay đổi lượng mưa ở quy mô toàn cầu diễn ra mạnh mẽ hơn so với trước đây.
Cũng theo IPCC, xu thế biến đổi nhiệt độ mặt nước biển tăng lên, nhiệt độ bề mặt tăng lên 0,1oC trong 10 năm qua, đây là nguyên nhân chính khiến nước biển dâng. Như vậy, trong đại dương cũng có những biến đổi rõ rệt.
Cụ thể, về nước biển dâng trong 100 năm qua, mực nước biển dâng lên với tốc độ ngày càng nhanh. 20 năm gần đây dâng 3,2 mm/năm, tăng gần gấp đôi so với 80 năm trước đó. 6 năm gần đây, nồng độ khí thải nhà kính tăng mạnh 4%, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên 0,89oC trong 100 năm qua.
TS. Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Khí tượng, khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường) – cho biết: “Trong báo cáo của IPCC có kết luận rằng trong tương lai gần, nhiệt độ sẽ tăng lên từ 0,3 – 0,7oC và sẽ tăng 4oC vào cuối thế kỷ XXI. Lượng mưa sẽ có thay đổi theo xu thế nóng lên toàn cầu, mức tăng của lượng mưa ngày lớn, nếu nhiệt độ tăng lên 1oC thì lượng mưa tăng 5,3%, lượng mưa cực trị sẽ tăng lớn hơn so với đánh giá trước đây”.
Nông nghiệp tả tơi
“Kịch bản BĐKH phiên bản 2015 sẽ cho chúng ta cái nhìn chi tiết hơn, chi tiết đến từng huyện. Và rõ ràng, ngành nông nghiệp sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH”– GS-TS. Trần Thục cho biết. Theo đó, BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm dẫn đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH. Do nhiệt độ tăng cao, vùng trồng cây nhiệt đới có xu hướng di chuyển về phía bắc. Vùng trồng cây ôn đới có xu hướng giảm về diện tích. Hạn hán và lũ lụt góp phần ảnh hưởng đến diện tích canh tác.
Ngành lâm nghiệp bị ảnh hưởng do diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp bởi nước biển dâng. Đa dạng sinh học giảm do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt có xu hướng bị tuyệt chủng, các loài có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt sẽ phát triển. Bên cạnh đó, cháy rừng và sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến ngành lâm nghiệp…
Theo ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn môi trường: “Các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp cần biết được những nghiên cứu trong quá trình xây dựng kịch bản BĐKH để có những sự điều chỉnh phù hợp cho kế hoạch hành động ứng phó của ngành nông nghiệp, rà soát lại các chương trình ứng phó xem cái nào còn phù hợp thì tiếp tục triển khai, nếu không phù hợp nữa thì phải điều chỉnh ngay”.
Về những tác động của BĐKH, theo nghiên cứu mới nhất thì nông nghiệp được đánh giá là chịu nhiều tác động mạnh. GS-TS. Trần Thục chia sẻ thêm: “Những tác động đó sẽ là hạn hán, thiếu nước, có mưa bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Cho nên trong khuyến nghị của chúng tôi với Bộ Tài nguyên và Môi trường thì thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp là cần ưu tiên hàng đầu dù rằng mức độ tác động của BĐKH là thấp hay cao thì cũng phải được ưu tiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã khuyến nghị Chính phủ ưu tiên chống ngập lụt ở các thành phố lớn, chống ngập mặn và nước biển dâng ở ĐBSCL, bảo vệ đất lúa ở ĐBSCL…”.