Bài cuối: Những câu hỏi quá khó
ThienNhien.Net – Lâu nay, cán bộ làm công tác tái định cư trở thành con nợ của dân. Họ cứ thấy mặt cán bộ là đòi, là mắng, nói nọ nói kia. Gần đây, họ còn kéo nhau lên trụ sở Ban quản lý Dự án Di dân tái định cư để đòi tiền…
Đó là tâm sự buồn của ông Lù Bình – Trưởng ban Quản lý Dự án Di dân tái định cư (DDTĐC) Thuỷ điện Sơn La của tỉnh Sơn La.
“Chúng tôi đòi cái của mình”
Một ngày giữa tháng 8, tại trụ sở Ban quản lý Dự án DDTĐC huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đã vào cuối giờ làm việc buổi sáng nhưng vẫn có hàng chục người dân và cán bộ các bản chầu chực quanh trụ sở. Anh Lường Văn Điều – cán bộ văn hoá xã Chiềng Lao cho biết: Chúng tôi đến đây để đòi những quyền lợi của mình. Đã mấy năm nay, từ khi di dân đến nơi ở mới, chúng tôi mất hết ruộng, vườn để làm lòng hồ thuỷ điện.
Từ 6ha đất canh tác tại nơi ở cũ, nay 6 nhân khẩu nhà tôi chỉ còn 1ha với độ dốc tới 60-700, trồng ngô, sắn năng suất rất thấp. Muốn tạo thêm thu nhập từ chăn nuôi hay làm nghề phụ thì không có vốn, trong khi nếu tính theo mức tiền đền bù chênh lệch đất ở đã bị thu hồi thì Nhà nước còn nợ nhà tôi ít nhất 150 triệu đồng. Số tiền ấy nếu đem đầu tư vào chăn nuôi hoặc dịch vụ thì mấy năm nay đã sinh lời ra bao nhiều rồi, lo gì đói nữa. Cũng vì Nhà nước nợ tiền mà hơn nửa số dân trong bản mấy năm nay đều thuộc diện đói, nghèo; chỉ có cái vỏ nhà là vững chãi thôi…
Ông Lò Văn Hoàng – Trưởng bản Huổi Păng, xã Chiềng Lao, bày tỏ: Nhà nước nợ chúng tôi nhiều quá, lâu quá mà bà con cũng khổ quá rồi. Bao lần bà con kéo lên huyện đòi tiền cũng chỉ nhận được những lời khất nợ lần lữa. Nay bảo mai, mai bảo đến ngày kia, rồi chốt đến 30.6.2013 là thanh toán gọn. Vậy mà đến tận bây giờ vẫn chưa thanh toán cho dân. Khi cán bộ từ tỉnh đến bản đi vận động dân di chuyển, ổn định tái định cư cũng hứa đủ chuyện. Nay dân cứ nhè chúng tôi mà đòi, mà đe dọa. Vì thế hôm nay hơn chục cán bộ các bản trong xã phải làm “đại diện bắt buộc” đi đòi nợ thay dân.
Ông Phan Đức Chính -Trưởng ban Quản lý Dự án DDTĐC huyện Mường La cho biết thêm: Dân đi đòi nợ nhiều, bức xúc, chửi bới cán bộ bản lừa họ. Người dân còn dọa sẽ chém trâu, bò, lợn, gà của cán bộ bản nếu không đòi được tiền để trả dân như đã hứa. Tôi cũng bí quá chẳng biết giải thích thế nào, đành gọi điện thoại báo cáo với bà Tráng Thị Xuân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phụ trách công tác DDTĐC, để bà ấy trả lời qua điện thoại, mở loa to cho dân nghe bà ấy hứa sẽ lo tiền cho dân trong thời gian sớm nhất. Khi ấy dân mới tin là tỉnh chưa có tiền, nhưng họ vẫn ép chúng tôi phải làm biên bản cam kết thanh toán trước 30.8.2013.
Đụng đâu cũng thấy… kẹt
Theo báo cáo số 177 của UBND tỉnh Sơn La thì đến hết tháng 6.2013, công tác DDTĐC Thuỷ điện Sơn La vẫn còn rất nhiều bất cập: Tại một số địa bàn, công tác hỗ trợ sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo chuyển đổi ngành nghề vẫn chưa đạt hiệu quả; thậm chí một vài huyện còn chưa triển khai tập huấn khuyến nông cho người dân TĐC. Có những tuyến đường làm dở dang rồi bỏ đó, dân kêu trời đến mấy năm nay…
Theo báo cáo số 177/BC-UBND tỉnh Sơn La thì đến hết tháng 6.2013, công tác DDTĐC Thuỷ điện Sơn La vẫn còn rất nhièu bất cập: Kết quả thu hồi đất, giao đất cho dân TĐC vẫn chưa hoàn thành. Việc thực hiện bù chênh lệch giá trị đất mới được 4.921/11.349 hộ TĐC với số tiền 250,242 tỷ đồng/445,214 tỷ đồng. Nhiều dự án thành phần vẫn đang dở dang, tiến độ chậm, thậm chí chưa khởi công… |
Nguyên nhân cơ bản của những bất cập trên đã được bà Tráng Thị Xuân cho biết: Những bấp cập ấy đều chứa đựng những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Chúng tôi đã họp bàn, kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhiều lần. Những bất cập nào do chủ quan thì lập tức được điều chỉnh, nhưng những bất cập do khách quan thì dù rất nỗ lực cũng không thể một sớm một chiều mà giải quyết được. Với lại bất cập khách quan nằm ngoài tầm giải quyết của tỉnh.
Phóng viên trao đổi lại với ông Lù Bình, ông thật thà: Với nhiệm vụ DDTĐC Thuỷ điện Sơn La thì Sơn La là tỉnh có bề dày kinh nghiệm, ý thức nỗ lực cao nên khả năng hoàn thành nhiệm vụ được đánh giá là cao hơn các tỉnh khác. Tuy vậy, với số tiền Nhà nước đang nợ chúng tôi cả ngàn tỷ đồng thì lấy gì mà triển khai thực hiện nhiệm vụ? Khất nhiều quá thì đến dân và doanh nghiệp cũng không tin là tỉnh không có tiền mà đang vướng mắc ở đâu đó trong tỉnh. Có những công trình kéo dài tới mấy năm, giục doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, họ hỏi tiền đâu?, thế là chúng tôi phải im lặng. Đến kiểm tra cơ sở, thấy dân còn nhiều khó khăn, động viên bà con mở rộng sản xuất, tích cực chăn nuôi để tăng thu nhập.
Dân hỏi: “Tiền các ông nợ tôi đâu, sao không thấy trả để lấy vốn làm ăn?”. Vậy là chúng tôi bị kẹt giữa dân và Nhà nước. Mà có phải tỉnh Sơn La không nỗ lực đâu! Mọi thủ tục thanh toán, trình cấp kinh phí đã hoàn thành từ năm ngoái nhưng vẫn đang mắc ở Bộ Tài chính và Bộ KHĐT. Bên tỉnh Điện Biên và Lai Châu họ cũng đang kẹt vốn như Sơn La. Chưa biết lúc nào guồn ngân sách này mới khơi thông, dân đỡ khổ mà chúng tôi cũng đỡ khổ!…