ThienNhien.Net – Đối với nhiều người, dãy Himalaya – nơi có đỉnh núi Everest cao nhất thế giới và được bao phủ bởi những nền văn hóa Phật giáo như Tây Tạng, Nepal và Butan – là một khu vực lãng mạn bí ẩn.
Hiện nay, thực tế đang tác động đến mái nhà thế giới là việc các quốc gia xung quanh đang chuẩn bị các kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng thủy điện của những con sông hùng vĩ, trong đó có sông Mê Kông, Brahmaputra, Dương Tử và Hoàng Hà. Khu vực Himalaya là đầu nguồn các con sông, mà gần một nửa thế giới đang phụ thuộc và bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Các nước lưu vực phía Nam dãy Himalaya, gồm Ấn Độ, Nepal, Butan và Pakistan đều đang phát triển các dự án thủy điện lớn để xây dựng khoảng hơn 400 đập thủy điện, mà nếu được xây dựng, có thể cung cấp hơn 160.000 MW điện cho các nền kinh tế đang phát triển của họ.
Còn ở phía Bắc dãy Himalaya, Trung Quốc đang phát triển những kế hoạch xây khoảng 100 đập thủy điện để tạo ra lượng điện cũng vào khoảng 160.000 MW từ các con sông lớn của Tây Tạng. Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng hơn 60 đập thủy điện trên sông Mekong, cũng bắt nguồn tại Tây Tạng và chảy về phía Nam, qua khu vực Đông Nam Á và đổ ra Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Theo nhà khoa học Ed Grumbine, hiện đang cộng tác với Học viện khoa học Côn Minh (Trung Quốc), trong 2 thập kỷ tới “Himalaya có thể trở thành khu vực có nhiều đập nước nhất trên thế giới. Ấn Độ đang đặt mục tiêu xây dựng 292 đập thủy điện, tăng gấp đôi năng lực thủy điện hiện nay và đóng góp 6% vào dự kiến nhu cầu năng lượng quốc gia. Nếu tất cả các đập này đều được xây dựng như dự kiến tại 28/32 lưu vực sông lớn, khu vực Himalaya của Ấn Độ sẽ là nơi có mật độ đập thủy điện cao nhất thế giới. Tất cả các nước láng giềng khác của Ấn Độ cũng đang xây dựng hay lập kế hoạch xây dựng thêm ít nhất là 129 đập nữa”.
Nếu tất cả các dự án trên trở thành hiện thực, khi đó Trung Quốc – hiện đang xây dựng nhiều đập trên tất cả các con sông lớn của Tây Tạng – có thể nổi lên là quốc gia kiểm soát chủ chốt lượng nước của gần 40% dân số thế giới. Vì thế, liệu các nước xung quanh dãy Himalaya có hợp tác trong việc sử dụng các nguồn nước này hay không?
Ấn Độ hiện đang tranh chấp với Trung Quốc về thượng nguồn con sông Brahmaputra và các kế hoạch thủy điện của Trung Quốc dọc sông Arun, thượng nguồn của sông Brahmaputra trước khi chảy vào Ấn Độ. Cả hai con sông Brahmaputra và Indus đều bắt nguồn từ một hồ ở phía Tây của Tây Tạng, gần đỉnh núi Kailash. Xa hơn về phía Đông, Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan đều báo động trước ý định của Trung Quốc nhằm xây dựng 3 đập thủy điện lớn tại các nhánh thượng nguồn của sông Mekong, ngoài 6 nhà máy thủy điện hiện có.
Chuyên gia các vấn đề chiến lược của Ấn Độ nhận xét rằng “Trung Quốc không bao giờ hối lỗi về việc họ không chịu tham gia các hiệp định chia sẻ nguồn nước với bất kỳ nước nào. Bắc Kinh luôn khẳng định họ sẽ tính tới lợi ích của các nước hạ nguồn, nhưng 50% các đập lớn trên thế giới nằm ở Trung Quốc. Ấn Độ, với nhiều con sông lớn bắt nguồn tại Tây Tạng, sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ nguồn nước, và không hề có sức ép quốc tế nào đối với vấn đề này, mặc dù khá nhiều nước bị ảnh hưởng do việc Trung Quốc từ chối tham gia các hiệp định trên gồm Nga, Kazakhstan, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Lào”.
Pakistan cũng đang quan ngại về việc Ấn Độ đang xây dựng hai đập thủy điện tại các nhánh thượng nguồn sông Indus. Islamabad quan ngại rằng các đập thủy điện Nimoo-Bazgo và Chutak sẽ giảm lượng nước của sông Indus chảy sang Pakistan bởi hai đập này có khả năng tích trữ tới 4,23 tỷ bộ khối nước, vi phạm những điều khoản của hiệp ước song phương về nước sông Indus năm 1960. Tình hình nghiêm trọng đến mức cách đây 4 tháng, báo “Dân tộc” của thành phố Lahore đã đăng một bài báo với nhan đề “Cuộc chiến với Ấn Độ là không tránh khỏi”.