ThienNhien.Net – Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) vừa cho biết, thống kê sơ bộ 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm trước, tăng lần lượt 100,86% và tăng 3,11% tương đương với 1,4 triệu tấn, trị giá 140,5 triệu USD.
Các thị trường chính xuất khẩu quặng và khoáng sản trong 7 tháng đầu năm nay là Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 91,2% lượng quặng và khoáng sản, với 1,2 triệu tấn, trị giá 101,7 triệu USD, tăng 129,29% về lượng và tăng 28,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Kế đến là thị trường Nhật Bản, với 20,7 nghìn tấn, trị giá 12,1 triệu USD, giảm 17,88% về lượng và giảm 36,85% về trị giá.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu đứng thứ ba là Malaysia với 15,9 nghìn tấn, trị giá 4,3 triệu USD, tăng 61,97% về lượng và tăng 31,59% về trị giá so với cùng kỳ.
Về xuất lậu quặng sắt, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, tình trạng này đang gây thất thu lớn cho ngân sách. Dẫn nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm này cho hay, chủ trương cho phép xuất khẩu quặng sắt tồn kho nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Song lợi dụng chủ trương này, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu vượt quá số lượng cho phép, thậm chí là xuất khẩu lậu. Điều này không những ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho sản xuất thép mà còn gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, theo ước tính, từ thăm dò sơ bộ đến tất cả các đánh giá tỉ mỉ thì cả nước chỉ có hơn 1,3 tỷ tấn trữ lượng quặng sắt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt của Trung Quốc rất lớn, mỗi năm ước khoảng 1,5 tỷ tấn quặng để sản xuất ra khoảng 720 triệu tấn thép. Từ nhu cầu này, Trung Quốc đã mua quặng sắt bằng mọi giá, quặng gì họ cũng mua và trả tiền ngay nên đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thích xuất khẩu hơn là bán trong nước.
Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, VSA đề nghị không cho xuất khẩu quặng sắt để đảm bảo nhu cầu sản xuất thép trong nước. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khai thác quặng sắt vẫn đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu, tình trạng xuất khẩu lậu vẫn chưa chấm dứt. Thậm chí, có tình trạng khai thác với số lượng lớn để báo cáo với tỉnh và các cơ quan quản lý xin xuất khẩu để giải quyết khó khăn ứ đọng vốn của doanh nghiệp, gây áp lực để xin phép xuất khẩu.
Chỉ tính riêng trong 2 năm 2011 và 2012, lượng xuất khẩu quặng sắt của Việt Nam sang Trung Quốc thực tế vượt xa mọi thống kê của hải quan Việt Nam, khiến Việt Nam thất thu thuế hàng nghìn tỷ đồng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương cân đối để lại một phần khối lượng tồn kho cho tiêu thụ trong nước; không giải quyết việc xuất khẩu khoáng sản tồn kho đối với một số địa phương có nhu cầu về nguyên liệu cho dự án chế biến sâu đang vận hành hoặc chuẩn bị đưa vào sản xuất; giải quyết xuất khẩu tồn kho tối đa không vượt quá sản lượng khai thác một năm theo công suất khai thác quy định tại Giấy phép khai thác.