Lãng phí đất đai: Lại khó xử lý người đứng đầu

ThienNhien.Net – Do thiếu quy định cụ thể về quy trách nhiệm cá nhân nên khó xử lý người đứng đầu tổ chức, đơn vị vi phạm.

Lãng phí đất đai gây bức xúc

Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến ngày 30/06/2013, có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích hơn 128.000 ha.

Các địa phương đã thu hồi đất của 819 tổ chức với diện tích 38.771 ha; đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 ha. Lập hồ sơ thu hồi đất của 559 tổ chức với diện tích 27.095 ha; Xử lý khác đối với 1.902 tổ chức (yêu cầu đưa đất vào sử dụng, cho phép chuyển mục đích, điều chỉnh xây dựng, xử lý trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) với diện tích 16.516 ha.

Ngoài ra, những tổ chức, số tiền xử lý hành chính đơn vị vi phạm và tiền sử dụng đất đã thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Một số địa phương đã triển khai tốt việc xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án vi phạm, dự án chậm triển khai có thể kể đến Long An, Hậu Giang, Thanh Hóa, TP HCM…

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp gây bức xúc trong cử tri. Do đó, Bộ TN-MT vừa là cơ quan tham mưu cho chính phủ và là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cần có những đề xuất, kiến nghị và giải pháp để giải quyết tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai, thu hồi đất do chậm triển khai thực hiện các dự án sử dụng đất gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như chưa có quy định về hạn mức sử dụng đất đối với từng loại dự án để làm căn cứ xác định, chế tài xử lý vi phạm hành chính về đất đai còn nhẹ, chưa đủ mạnh; những yếu tố lịch sử, yếu tố khách quan như suy thoái kinh tế…

Một trong những khó khăn, theo Bộ TN-MT là việc xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu một số tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất do thiếu quy định cụ thể vệ quy trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc giao đất cho tổ chức khác sử dụng dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi đất vi phạm.

 

Đất bị bỏ hoang (Ảnh: Saigonnews.vn)
Đất bị bỏ hoang (Ảnh: Saigonnews.vn)

Thấy nguyên nhân, cần giải pháp

Về nguyên nhân của tình trạng lãng phí đất đai, Bộ TN-MT cho rằng công tác quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển nên không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá, đặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành. Việc triển khai quy hoạch khu công nghiệp của các địa phương còn hạn chế, tỷ lệ lấp đầy còn thấp: khu công nghiệp 60,53%; cụm công nghiệp đạt 44,25%.

Tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở địa phương do chính sách thường xuyên thay đổi; do các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn bị chìm lắng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng. Do khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu đã làm tăng khó khăn về vốn, đầu ra, thu hút đầu tư, làm chậm tiến độ sử dụng đất.

Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nên chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí;

Một nguyên nhân nữa là các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tình trạng gây lãng phí tài nguyên, trong đó có đất đai là đáng lo ngại và một phần do quản lý còn lỏng lẻo. Do đó, cùng với hoàn thiện các quy định pháp luật, thì công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý phải được tăng cường, trách nhiệm phải được làm rõ.

“Cần chú ý quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện “địa chỉ” còn để xả ra tồn tại, làm rõ trách nhiệm và yêu cầu khắc phục”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.