ThienNhien.Net – Đây là ý kiến đề xuất của ông Võ Đình Thọ, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng và nhiều đại biểu đến từ các Quỹ bảo vệ và phát triển rừng địa phương tại Hội thảo về chi trả dịch vụ môi trường rừng vừa được tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội.
Ông Thọ cho hay, theo hướng dẫn tại Thông tư 80/2011/TT-BNNPTNT về phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và Thông tư liên tịch số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC về hướng dẫn sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng hàng năm phải xây dựng Kế hoạch chi trả dịch vụ môi trường rừng, sau đó trình Hội đồng quản lý quỹ; Hội đồng quản lý quỹ ra nghị quyết gửi Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét; UBND tỉnh giao Sở Tài chính thẩm định trước khi phê duyệt.
Ông Thọ cho rằng quy trình nêu trên cần đơn giản hơn để tiến độ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tới người dân được thực hiện nhanh chóng ngay từ đầu năm.
Cũng theo ông, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương hiện gặp không ít khó khăn. Cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm của người nhận khoán hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng; diện tích rừng bị khai thác trái phép nhưng đảm bảo vẫn còn đủ tiêu chí thành rừng thì vẫn được nghiệm thu theo Thông tư 20 của Bộ NN&PTNT; một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng không có chế tài xử lý…
Việc chênh lệch đơn giá giữa các lưu vực cũng là vấn đề khó khăn trong công tác tuyên truyền, nhất là với đối tượng người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, công tác lập Đề án rà soát diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương vẫn bị ách tắc vì số liệu kiểm kê kế thừa hồ sơ cũ có rà soát qua hàng năm. Hiện địa phương đang phải chờ kết quả kiểm kê tài nguyên rừng của Bộ NN&PTNT để lấy số liệu thực hiện.
Cùng tham dự Hội thảo và phản ánh những bất cập trong việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều đại biểu đến từ các Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cũng cho hay, một số văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành ban hành chưa kịp thời và đồng bộ, do đó làm chậm công tác giải ngân đến các chủ rừng; việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cũng chậm được thực hiện do nhiều diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng chưa giao khoán bảo vệ rừng; kinh phí cho Đề án rà soát diện tích rừng cũng chưa được bố trí…
Các ý kiến đề nghị, ngoài việc chỉnh sửa những bất cập nêu trên, các Bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để tránh chồng chéo giữa các đơn vị quản lý nhà nước ở địa phương khi thực hiện nhiệm vụ.