ThienNhien.Net – Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng nhu cầu về thức ăn sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm năm 2011 của Việt Nam khoảng 20 triệu tấn; trong đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp quy đổi xấp xỉ 11,5 triệu tấn. Nhu cầu là như vậy, nhưng lấy đâu ra đủ nguyên liệu tại Việt Nam để sản xuất, chế biến ra TĂCN? Vì vậy phải nhập khẩu từ nước ngoài về.
Cũng theo Cục Chăn nuôi thì chỉ riêng trong năm 2011, chúng ta đã nhập khẩu xấp xỉ 8,9 triệu tấn nguyên liệu TĂCN gồm: 3,86 triệu tấn nguyên liệu thức ăn giàu năng lượng (ngô, lúa mì, bột mì), 4,76 triệu tấn nguyên liệu thức ăn giàu đạm (đậu tương, khô dầu các loại, bột cá, bột thịt xương…) và 0,9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn bổ sung (premix, khoáng, axit amin…).
Dự kiến năm 2020, nhu cầu sử dụng TĂCN cả nước sẽ lên đến con số 27,4 triệu tấn.
Có ai ngờ rằng, Việt Nam, một cường quốc xuất khẩu gạo vào loại nhất, nhì thế giới nhưng lại nhập khẩu một lượng ngô, đậu tương… khổng lồ về để chế biến TĂCN (trên dưới 3 tỷ USD/năm). Người ta tính tiền thu về từ gạo bán đi rồi mua lại nguyên liệu chế biến TĂCN gần như tương đương nhau. Đây thực sự là một nghịch lý cần có sự thay đổi, càng sớm càng tốt. Muốn vậy chúng ta phải từng bước có kế hoạch chủ động tổ chức và hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN.
Nguyên liệu TĂCN không nhất thiết hoàn toàn phải là ngô, lúa mì mà thay vào đó là lúa gạo cũng rất tốt.
Tại quê tôi, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An mỗi năm gieo cấy gần 27.000 ha lúa, sản lượng đạt xấp xỉ 180.000 tấn. Phần lớn diện tích lúa được gieo cấy là các giống lúa lai và KD18, năng suất cao nhưng chất lượng lúa gạo kém. Qua cân đối nhu cầu về lương thực mỗi năm toàn huyện còn dư tối thiểu 20.000 tấn lúa.
Tôi hỏi từ ông Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Sỹ Hưng đến nhiều lãnh đạo UBND các xã và các HTX DVNN thì hầu như đều có chung một câu trả lời là: Gieo cấy nhiều lúa lai để có năng suất cao lấy lúa nuôi lợn, chăn nuôi gà vịt và bây giờ còn nuôi vỗ béo cả trâu bò.
Chúng tôi vào thăm hai gia trại chăn nuôi lợn của các anh Trần Văn Việt và Nguyễn Văn Thanh ở xã Long Thành, mỗi gia trại có 50 – 60 con lợn loại 50 – 120 kg/con.
Hỏi các chủ gia trại nuôi lợn chủ yếu bằng thức ăn gì, cả hai cùng trả lời nuôi bằng lúa gạo. Họ mua lúa về cho vào máy nghiền trộn lẫn một ít cá biển phơi khô, vỏ trứng, vỏ cua… tất cả nghiền thành bột cho lợn ăn ngày 2 lần trưa và tối. Lợn nuôi kiểu này tại gia đình rất được thương lái ưa chọn mua về làm thịt với giá cao hơn 2 – 3 giá so với lợn mua ở các trang trại nuôi hàng trăm, hàng nghìn con bằng cám công nghiệp. Người mua thịt để ăn bây giờ họ cũng chọn mua thịt lợn nuôi bằng cám gạo hoặc lúa, ngô nghiền bột, thịt ăn ngon, thơm hơn và khi nấu thịt ít ra nước. Phân biệt thịt lợn nuôi bằng cám gạo, hoặc lúa, ngô nghiền nát thành bột do các hộ gia đình tự sản xuất ra thịt ít mỡ hơn, nhìn miếng thịt chắc, thớ thịt săn, mịn, thịt không có màu đỏ đậm. Thịt nuôi bằng thức ăn công nghiệp nhìn miếng thịt đỏ đậm, khi nấu chuyển sang dạng nước nhiều, hao thịt và thịt ăn không ngon, không thơm.
Từ suy nghĩ trên, chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các nhà khoa học sớm có chủ trương và khuyến cáo bà con nông dân sử dụng lúa gạo dư thừa trong sản xuất để phát triển chăn nuôi thay vì bán lúa gạo giá rẻ cho nước ngoài rồi lại mua ngô, lúa mì… về sản xuất TĂCN trong nước. Làm như vậy thì bao giờ nông dân ta mới khấm khá lên được?!