ThienNhien.Net – Thời gian qua, dịch rầy nâu bùng phát trên lúa hè thu nhiều vùng ở Nghệ An và Hà Tĩnh, gây ra cháy rầy ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh và các huyện Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An.
Huyện Đô Lương có diện tích cháy rầy lớn nhất, tập trung ở xã Thượng Sơn, Thái Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Thịnh Sơn, Lạc Sơn, Hòa Sơn, mật độ rầy nơi cao lên đến hơn 10.000 con/m2, có những nơi lên đến hàng vạn con/m2. Để dịch xảy ra như thế này, một mặt là do sự chủ quan của nông dân, không xử lý kịp thời, để mật độ rầy tăng nhanh không kịp cứu vãn. Mặt khác do sự chỉ đạo sai khoa học của cơ quan chức năng, nông dân phải phun thuốc trừ rầy 4 – 5 lần, hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và ô nhiễm môi trường mà cháy vẫn hoàn cháy.
Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật, để kiểm soát cháy rầy cuối vụ, cần chỉ đạo nông dân kiểm tra mật độ rầy trong giai đoạn cây lúa kết thúc đẻ nhánh – làm đòng – trỗ, bởi vì thời điểm này sẽ xuất hiện một lứa rầy, dựa vào mật độ lứa rầy này để có biện pháp xử lý kịp thời và để dự đoán mật độ lứa rầy sẽ xuất hiện lúc cây lúa trỗ – vào hạt. Đặc biệt cần chú ý đến đặc tính quan trọng của rầy nâu và các loài rầy khác nói chung là các lứa rầy thường gối lứa nhau.
Thông thường vòng đời của rầy nâu dao động trong khoảng 25 – 30 ngày đối với rầy nâu dạng cánh dài, và khoảng 22,5 – 28 ngày đối với rầy nâu dạng cánh ngắn. Nếu trên ruộng phát hiện nhiều rầy nâu dạng cánh ngắn (thường gọi cánh cộc hoặc không cánh) thì nguy cơ cháy rầy rất cao, vì theo quy luật tự nhiên, rầy nâu dạng cánh ngắn là đặc trưng cho tính phá hoại mạnh. Còn dạng cánh dài thường xuất hiện đầu vụ và cuối vụ, nó đặc trưng cho tính di chuyển.
Qua tìm hiểu tại các vùng cháy rầy tại xã Thượng Sơn – Đô Lương, khi mật độ rầy lên đến hơn 10.000 con/m2 nông dân mới phun thuốc, họ đã xử lý rầy 4 – 5 lần theo khuyến cáo của trạm BVTV mà không hiệu quả. Kiểm tra mẫu bao bì thuốc, chúng tôi thấy tất cả họ đều sử dụng các loại thuốc tiếp xúc, xông hơi với các dòng hoạt chất như Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin (với nhiều tên thương mại khác nhau như Anbom, Victory…).
Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật thì các loại thuốc này thuộc nhóm độc II (độc cao) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nông dân nên hạn chế sử dụng. Ngoài ra khi mật độ rầy cao, thông thường tỷ lệ rầy đực/cái là 1/1,3 nên với mật độ hơn 10.000 con/m2 thì ít nhất có hơn 5.000 con rầy cái/m2. Trong đó có rất nhiều rầy cái mang trứng (chửa) hoặc đã đẻ trứng, trứng được đẻ trong bẹ lá, mỗi ổ khoảng 5 – 12 quả, mỗi con rầy cái có thể đẻ từ 150 – 250 quả trứng, thời gian trứng nở khoảng 1 tuần sau khi được đẻ ra và sẽ có nhiều lứa rầy gối lứa nhau. Như vậy với nhiệt độ trên 30oC như hiện nay ở miền Trung thì trong vòng 1 tuần sau khi phun sẽ có một lứa rầy mới xuất hiện với cấp số nhân có thể lên tới hàng vạn con, và lúc đó sẽ có nguy cơ cháy rầy không kịp cứu vãn.
Trường hợp người dân phải phun đi phun lại nhiều lần mà không hiệu quả là do dùng sai loại thuốc và mật độ quá cao, thông thường thì hiệu quả của bất cứ loại thuốc trừ rầy nào khi phun trên đồng ruộng chỉ đạt tối đa 80%. Nếu mật độ trên 10.000 con/m2 thì sau phun tỷ lệ rầy vẫn còn hơn 2.000 con/m2. Ngoài ra, các loại hoạt chất như Chlorpyrifos Ethyl, Cypermethrin là các hoạt chất chỉ có tính chất tiếp xúc là chính, nên rầy chỉ chết khi tiếp xúc với thuốc và các nhóm thuốc này không có tính nội hấp, nên hiệu lực ngắn, không đủ khả năng kiểm soát được rầy nở sau đó từ các ổ trứng trong bẹ lá. Để khắc phục được vấn đề này đáng lẽ ra cơ quan chuyên môn phải khuyến cáo xử lý sớm khi mật độ rầy vượt qua ngưỡng kinh tế bằng các dòng thuốc như Pymetrozine thì mới kiểm soát được.
Lúa hè thu chỉ còn khoảng 15 – 25 ngày nữa là thu hoạch, nguy cơ cháy rầy và mất mùa ở các diện tích còn lại rất cao, vì vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cần rà soát lại các diện tích nhiễm rầy, có chỉ đạo kịp thời cho từng địa phương. |