ThienNhien.Net – Nhiều tháng qua, khu vực rừng Ngàn Me thuộc xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã bị tàn phá nghiêm trọng, không những mất tài nguyên rừng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, khả năng giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, kéo theo nhiều bất ổn về an ninh trật tự tại địa bàn.
Theo nhiều người dân địa phương, việc chặt phá rừng Ngàn Me diễn ra từ nhiều năm ngay nhưng các đối tượng khai thác lâm sản trái phép chỉ chặt phá nhỏ lẻ để lấy gỗ, lấn đất rừng, mỗi năm khoảng vài ha. Từ khoảng tháng 2/2013 đến nay, nhiều người tiến hành chặt phá rừng ồ ạt, công khai và triệt để với mục đích để chiếm đất trồng rừng mới.
Ước tính sơ bộ, hiện diện tích rừng bị phá đã lên tới hàng chục ha. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, rừng Ngàn Me nằm trên địa bàn xã Tân Lợi do Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên quản lý với diện tích khoảng 600 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn là 197,3 ha. Năm 2006, xã Tân Lợi đã đề nghị tỉnh Thái Nguyên quy hoạch diện tích 197,3 ha rừng tự nhiên đầu nguồn là rừng phòng hộ và giao cho địa phương quản lý.
Đến năm 2011, khu vực này đã được cắm mốc chỉ giới quy hoạch là rừng phòng hộ và Chi Cục Lâm nghiệp Thái Nguyên đã bàn giao chỉ giới cho UBND huyện Đồng Hỷ và UBND xã Tân Lợi. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khu vực rừng này vẫn đang chờ quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận diện tích trên là rừng phòng hộ.
Song theo các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, dù rừng đầu nguồn Ngàn Me chưa phải là rừng phòng hộ thì việc chặt phá rừng vẫn trái với quy định của pháp luật bởi muốn trồng rừng, khai thác rừng phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Đáng lưu ý, từ cuối tháng 5/2013, chính quyền xã Tân Lợi, các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên đã 4 lần kiểm tra tại các khu vực rừng đầu nguồn Ngàn Me bị chặt phá, nhưng cũng chỉ lập biên bản ghi lại hiện trạng chứ không xác định được hoặc bắt được đối tượng nào phá rừng.
Ông Nghiêm Sơn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết, khu vực chặt phá có trách nhiệm của Công ty lâm nghiệp cho người dân vào trồng cây ở gần khu vực rừng đầu nguồn, trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ rừng ở đây là Hạt kiểm lâm huyện. Về phía địa phương nhận thấy trách nhiệm trong quản lý nhưng do địa bàn xã đường sá đi lại khó khăn, phụ cấp ít, lực lượng mỏng… nên việc quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn.
Còn đại diện Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên lại cho rằng tuy đã được Nhà nước giao quản lý nhưng không có kinh phí, trước đây lại chỉ giao chỉ tay trên giấy, không có đo đạc, ranh giới cụ thể nên khó quản lý. Phía Kiểm lâm thì cho rằng để xảy ra tình trạng phá rừng Ngàn Me một phần do lỗi của cấp chính quyền địa phương và chủ rừng…
Rõ ràng, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn Ngàn Me chủ yếu công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền xã Tân Lợi, Hạt kiểm Lâm Đồng Hỷ và Công ty lâm nghiệp Thái Nguyên còn buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần phải vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật các đối tượng vi phạm các quy định trong quản lý và bảo vệ rừng đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị được giao quản lý bảo vệ rừng trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng suốt một thời gian dài ở khu vực rừng Ngàn Me.