Phải tổ chức lại ngành giống thủy sản

ThienNhien.Net – Mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ phát triển giống thủy sản cũng như có thông tư về quản lí trong lĩnh vực kinh doanh, vậy tại sao thủy sản miền Bắc vẫn không thể bứt phá và giống Trung Quốc vẫn tràn ngập tại Việt Nam?

NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Điền (ảnh) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT).

15082013162632

Thông tư ra quá muộn

Thưa ông, Quyết định 2194 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 đã có từ năm 2009, nhưng có vẻ nó không giúp gì nhiều cho hoạt động SX-KD giống thủy sản tại miền Bắc những năm qua?

Đúng là Chính phủ đã có Quyết định 2194 phê duyệt phát triển ngành giống đến năm 2020, trong đó có lĩnh vực giống thủy sản. Nhưng nói thật với anh, quá trình đi các địa phương, chúng tôi nhận thấy ít nơi tiếp cận được chính sách ưu đãi này bởi thủ tục rất rườm rà.

Còn Thông tư 26 về quản lí giống thủy sản, phải vất vả lắm đến tận tháng 5/2013 vừa qua mới được ban hành nên vô hình chung gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc quản lí giống thủy sản. Bản thân các tỉnh bây giờ vẫn đang phải chờ văn bản hướng dẫn về việc kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực giống thủy sản nữa mới có thể vận hành trơn tru được.

Giá như Thông tư 26 ra đời sớm hơn nữa thì ngành thủy sản không đến nỗi bát nháo như hiện nay.

Địa phương nào cũng có trại, trung tâm nuôi cá bố mẹ để SX cá giống thương phẩm và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Viện 1) mỗi năm cho ra đời rất nhiều quy trình, giống thủy sản bố mẹ mới, nhưng đã rất lâu rồi, Viện và địa phương, những nơi đáng lẽ phải rất gắn kết này lại ít khi hợp tác với nhau?

Trước đây, khi có chương trình hỗ trợ về giống, Viện 1 đã đi đến 15 tỉnh, thành phía Bắc chuyển giao công nghệ, cá bố mẹ cho các địa phương tự SX cá giống thương phẩm. Nhưng từ khi hết chương trình, các tỉnh phần lớn đều không nhập cá bố mẹ từ Viện 1 nữa.

Lí do cá giống bố mẹ rất đắt, nếu muốn có được cá giống thương phẩm tốt phải làm đúng quy trình, rất tốn kém, chi phí TĂCN thủy sản của ta lại cao chót vót nên chắc chắn sẽ không có lãi vì giá giống thương phẩm thấp.

Mặt khác, các văn bản, quy định về xử phạt trong lĩnh vực SX-KD giống thủy sản của ta còn chưa hoàn thiện nên các trung tâm, trại giống họ nhập lậu cá giống từ bên ngoài hoặc dùng cá thịt để cho đẻ, chi phí thấp nên mới xảy ra tình trạng cá bố mẹ Viện 1 làm ra tốt nhưng không có người mua.

Bên cạnh đó, hiện các quy trình về SX giống thủy sản của ta vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh, tỉ lệ cá sống qua các giai đoạn từ trứng lên bột, bột lên hương, hương lên giống còn quá thấp. Nếu không có hỗ trợ khó có thể khuyến khích địa phương họ làm được.

Các Viện phải tổ chức lại

Thực tế thị trường thủy sản miền Bắc hiện nay giống Trung Quốc vẫn chiếm đa số, ta hầu như không kiểm soát được, sao thế, thưa ông?

Bây giờ, tại các cửa hàng khi truy xét nguồn gốc họ vẫn nói lấy cá từ các viện nhưng thực chất đó chỉ là một phần nhỏ, còn lại phần lớn là từ Trung Quốc. Tâm lí người dân mình cứ thấy rẻ là họ mua. Ngay như các cơ sở bán cá giống ở cổng Viện 1 tại Từ Sơn, Bắc Ninh họ nói lấy cá từ Viện nhưng chưa chắc đã đúng.

Nay có Thông tư 26 hướng dẫn về quản lí giống, được các đơn vị rất hưởng ứng. Giờ chỉ cần đôn đốc các địa phương thực hiện đúng Thông tư 26 sẽ thu được kết quả, từ đó khắc phục được nhiều hạn chế từ những năm trước đây.

Tuy nhiên, sắp tới các Viện về thủy sản sẽ phải họp lại để nghiên cứu phương hướng, chiến lược hợp lí, phải tổ chức lại chứ cứ để như hiện nay là chưa ổn. Ví dụ, ở Đài Loan họ chỉ có một nơi sản xuất nuôi cá bố mẹ. Một nơi chỉ chuyên đẻ trứng và cho nở, sau đó cung cấp cho tất cả các vệ tinh nuôi từ bột đến hương rồi lại đến nơi khác nuôi từ hương đến giống. Phân chia công đoạn rõ ràng như vậy. Mình có thể học hỏi kinh nghiệm của họ. Vì cá bố mẹ mình không thể cứ nuôi tràn lan được.

Ngành giống phía Bắc cần phải được tổ chức lại chuyên nghiệp hơn
Ngành giống phía Bắc cần phải được tổ chức lại chuyên nghiệp hơn

Nếu phân cấp như vậy sẽ chuyên môn hóa các công đoạn, giúp nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm. Về công nghệ, Việt Nam chúng ta không thua kém các nước, chỉ cần thêm kinh nghiệm quản lý để nâng cao kết quả. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều nơi SX cá bố mẹ, nơi nào cũng làm dẫn tới chất lượng không cao, không chuyên sâu. Ví dụ, nuôi một con cá song vua bố mẹ lên tới 70-80 kg sẽ rất tốn TĂCN, nếu nơi nào cũng nuôi sẽ không hiệu quả.

Lấy ví dụ với con cá rô phi, một trong những giống thủy sản chủ lực tại miền Bắc hiện nay, lãnh đạo Viện 1 nói rằng rô phi của mình không thua kém gì rô phi Trung Quốc, Đài Loan, trong khi dân ta lại cứ sính ngoại?

Vừa rồi tại hội nghị thủy sản ở Tuyên Quang cũng đã tranh luận về vấn đề này. Trong các báo cáo của Viện 1 vẫn cho rằng giống cá của ta không thua kém gì nhưng khi nói các địa phương họ phản đối ngay. Theo kinh nghiệm của người dân nuôi thì họ thấy giống của Trung Quốc nhỉnh hơn một chút, rô phi của mình nuôi 5 tháng được khoảng 6 lạng nhưng của họ 7 – 8 lạng, có khi 1 kg.

Việc bất cập khi cá rô phi giống của ta ra chậm hơn rô phi của Trung Quốc tới 1 tháng, cái này Bộ đã khắc phục được rồi. Năm 2012, Bộ NN-PTNT đã cho xây Trung tâm giống Quốc gia chuyên sản xuất cá rô phi giống cung cấp cho miền Bắc ở hồ Phù Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Vừa rồi, đã cung cấp được khoảng 20 triệu con giống cho phía Bắc và cho Viện 1. Song, việc vào cá cùng một thời điểm có cái rất dở cho đầu ra sau này. Có khi đầu mùa thiếu nhưng sau đó lại thừa làm giảm giá cá thương phẩm vì dân thu hoạch cùng một thời điểm. Ở những trang trại làm ăn lớn họ không làm như vậy mà họ vào cá rải vụ.

Được biết, trước đây ông từng công tác tại Viện 1. Theo ông, các viện thủy sản hiện nay, bình quân mỗi viện có khoảng 50 tỉ đồng dành cho nghiên cứu hàng năm đã đủ chưa?

Bình quân mỗi viện có 40 – 50 tỉ đồng/năm là đủ rồi. Quan trọng bây giờ là phải nâng cao, hoàn thiện công nghệ, quy trình SX. Công nghệ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhìn tổng thể, ngành thủy sản miền Bắc cũng chỉ thiếu cục bộ thôi bởi những công nghệ mà Viện 1 chuyển giao ra ngoài đời sống chỉ một thời gian sau có người dân họ làm được luôn và làm tốt hơn rất nhiều. Bởi lẽ với người dân “đồng tiền gắn liền khúc ruột”, họ sát sao hơn, họ mà thua thì họ chết.

Họ nghiên cứu mày mò ngày đêm, có khi ngủ cả ngoài ao nên sau một thời gian họ đã thu được kinh nghiệm để nuôi tốt nhất. Đây cũng là lí do các giống của Viện 1 chỉ sau thời gian ngắn là không có người mua vì đắt hơn rất nhiều giống ngoài thị trường do dân SX.

Ngay như làm giống thủy sản nước mặn khó khăn và tốn kém nhất, hiện nhiều nơi đã bắt đầu làm được. Ví dụ, con cá vược (chẽm) quy trình đã được hoàn thiện. Lúc đầu làm giống cá vược cũng rất khó khăn, nhưng do nhu cầu nhiều, giá cá tăng, dân tiếp tục làm, bây giờ đã cơ bản hoàn thiện được quy trình.

Xin cảm ơn ông!

“Trong nghiên cứu khoa học cũng có lúc thất bại lúc thành công. Đằng này, ở nước ta luôn hình thành nên một tư duy đã nghiên cứu là phải thành công, nếu thất bại nguy cơ bị cắt, bị thu hồi đề tài là rất cao. Chính vì vậy, nhiều khi người làm nghiên cứu vì chọn giải pháp an toàn nên đôi khi phải ép cho ra sản phẩm, việc nghiên cứu vì thế ít khi có sự đột phá”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền.