ThienNhien.Net – Kết luận biến đổi khí hậu làm giảm độ giòn, nhưng lại tăng độ ngọt của táo được đăng tải trên tạp chí Nature Scientific Report ngày 15/8, do một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản thực hiện.
Sau khi phân tích số liệu thu thập được từ hai vườn táo ở Nhật Bản, nhóm nghiên cứu trên khẳng định biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rõ rệt đối với mùi vị và hình thức quả táo. Những thay đổi này là do cây táo ra hoa sớm hơn và nhiệt độ tăng cao hơn trong thời kỳ phát triển của cây.
Các nhà nghiên cứu đã chọn nghiên cứu hai vườn trồng giống táo Fuji và Tsugaru nổi tiếng ở các tỉnh Nagano và Aomori, vì khu vực này có nhiệt độ tăng trung bình trong 10 năm khoảng 0,31 – 0,34 độ C và cả hai khu vườn trên đều không thay đổi về cách thức canh tác trong thời gian dài, nhằm loại trừ những yếu tố ảnh hưởng phi thời tiết như tiến bộ kỹ thuật đối với giống cây táo.
Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu trong thời gian từ năm 1970 – 2010, trong đó có việc đo hàm lượng axít và đường, độ giòn của quả và bệnh ruột nước – bệnh gây ra các vùng bị ngấm nước trong thịt quả táo. Sau khi phân tích, các nhà khoa học nhận thấy độ axít, độ giòn và bệnh ruột nước giảm, nhưng độ đường trong quả táo lại tăng theo thời gian.
Theo tác giả của nghiên cứu trên – ông Toshihiko Sugiura thuộc Viện khoa học quốc gia về cây ăn quả ở Fujimoto, sự gia tăng về độ ngọt do biến đổi khí hậu là tác động tích cực, còn việc giảm độ giòn chỉ là ảnh hưởng phụ.