ThienNhien.Net – Trong 20 năm thực hiện đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam, nhiều thay đổi, cải tiến đã được đưa ra. Nhiều nội dung quan trọng về đánh giá tác động môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường cũng đang được xem xét, điều chỉnh.
Ngày 15/8, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Hiệp hội Đánh giá Tác động Môi trường Hàn Quốc phối hợp tổ chức Hội thảo Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 4 về “Quy hoạch môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường” với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Đây là Hội thảo lần thứ 4 về chủ đề này được tổ chức tại Việt Nam, nhằm giúp các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ các kinh nghiệm về đánh giá tác động môi trường – công cụ quản lý môi trường quan trọng hàng đầu.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Đánh giá tác động môi trường bao gồm cả đánh giá môi trường chiến lược là vấn đề quan trọng cần được cập nhật và trao đổi thường xuyên cả về lý luận và thực tiễn để không ngừng hoàn thiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và Hàn Quốc đã trình bày báo cáo khoa học về đánh giá tác động môi trường, trong đó đề cập tới rất nhiều vấn đề về quy hoạch môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, từ chiến lược, cơ chế, chính sách, quản lý đến các mô hình và kinh nghiệm thực tế của Việt Nam và Hàn Quốc như: Đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong quy trình đánh giá môi trường; Nghiên cứu các tác động và giải pháp giảm nhẹ của biến đổi khí hậu trong đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác than và cảng biển; Đánh giá tác động môi trường, giảm thiểu sự ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu ở Việt Nam; Bài học về công tác quản lý an toàn và môi trường cho các hoạt động dầu khí biển ở Việt Nam.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi các vấn đề nêu trong các báo cáo, đặc biệt là kinh nghiệm thực tế của Hàn Quốc về quy hoạch môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường đối với các dự án về xây dựng, giao thông vận tải, quy hoạch các khu công nghiệp song song với việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học.
Cho đến nay, ở Việt Nam, hầu hết các báo cáo đánh giá tác động môi trường rất ít chú ý đến tác động tiềm tàng của dự án đến đa dạng sinh học, do vậy các tác động chủ yếu đến đa dạng sinh học hầu như bị bỏ qua trong quy trình đánh giá tác động môi trường hiện nay. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 16 về đa dạng sinh học trên toàn thế giới đồng thời được xem là một trong 12 trung tâm giống cây trồng và cũng là trung tâm thuần hóa vật nuôi nổi tiếng thế giới.
Mức độ đa dạng sinh học của hệ cây trồng ở Việt Nam khá cao. Tuy nhiên, diện tích rừng, hệ sinh thái có đa dạng sinh học cao nhất đã giảm từ 72% (năm 1909), xuống 43% (năm 1941) và 28% (năm 1995). Trong gần 5 thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn đã giảm 80%, khoảng 96% các rặng san hô bị đe dọa hủy hoại nghiêm trọng, các giống loài động vật và thực vật ở Việt Nam do nơi cư trú bị tàn phá, nguồn nước bị cạn kiệt và khai thác quá mức nhất là nạn săn bắt đã làm cho đa dạng sinh học bị suy thoái trầm trọng.