ThienNhien.Net – Do trong một thời gian dài, Việt Nam không quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường, sự đầu tư về nhân lực, trí lực, vật lực và hành lang pháp lý chưa tương xứng nên dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra trên diện rộng.
Từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, đã khởi tố trên 350 vụ án với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng.
Môi trường Việt Nam trong những năm gần đây chịu ảnh hưởng rất lớn của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, kể cả sự tác động của biến đổi khí hậu.
Các khu đô thị, công nghiệp được hình thành nhanh, song quy hoạch không đồng bộ, thiếu hợp lý làm cho môi trường bị ô nhiễm tràn lan. Chất thải từ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt ngày càng gia tăng, trong khi công tác thu gom, xử lý chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, rừng bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị khai thác bừa bãi làm cho nguồn nước suy giảm, đa dạng sinh học bị đe dọa gây mất cân bằng sinh thái, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, sự bền vững của phát triển đất nước.
Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phổ biến nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường đô thị.
Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2013, những vi phạm do Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường phát hiện trong các lĩnh vực này là 6.000 vụ; trong đó đã khởi tố gần 40 vụ án với hơn 60 đối tượng; xử lý hành chính hơn 5.000 vụ việc, gần 6.000 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng.
Ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp diễn ra nghiêm trọng trong hầu hết các loại hình sản xuất. Khoảng hơn 60% lượng nước thải hàng ngày từ các khu, cụm công nghiệp ở các tỉnh, thành phố đều xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý, nhất là tại các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu và sông Nhuệ – sông Đáy.
Nguyên nhân là do phần lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đầu tư xây dựng các dự án chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà bỏ qua một số điều kiện về công tác bảo vệ môi trường như không đánh giá tác động môi trường, không quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Một số doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành theo kiểu đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra.
Ngoài ra, ô nhiễm môi trường không khí ở khu vực đô thị cũng đang là vấn đề bức xúc; trong đó giao thông vận tải là nguồn gây ô nhiễm lớn đối với không khí, nhất là sự phát thải các khí CO2, VOC, NO2.
Cộng với chất thải rắn sinh hoạt chiếm tới 60 – 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị không ngừng tăng nhanh, song công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đáp ứng được nhu cầu đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hơn 3 năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường cũng đã phát hiện hơn 6.000 vụ vi phạm trong quản lý và khai thác lâm sản, khoáng sản và săn bắt động vật hoang dã. Để khai thác được khối lượng gỗ lớn, các đối tượng thường lợi dụng chính sách chuyển đổi “rừng nghèo’, dự án xây dựng thủy điện, phát quang biên giới để khai thác, nhất là các loại gỗ quý hiếm có giá trị xuất khẩu cao như gỗ sưa, nghiến, trắc…
Việt Nam hiện có 1.500 tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác và chế biến khoáng sản nhưng hầu hết đều không chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phổ biến nhất là tình trạng khai thác titan ven biển miền Trung gây phong hóa và sa mạc hóa; khai thác cát, sỏi lòng sông bừa bãi làm sạt lở các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Đuống, sông Tiền, sông Hậu…
Qua công tác điều tra cơ bản cơ bản của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, có đến trên 90% cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về môi trường.
Thực tế cho thấy, việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cho phù hợp với điều kiện hiện nay là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, Chiến lược phòng, chống tội phạm về môi trường ở Việt Nam cần được xây dựng và thực hiện để góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm và các nhiệm vụ, giải pháp trong định hướng phát triển bền vững đất nước.