ThienNhien.Net – Chiều 12/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Sinh thái học miền Nam, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và UBND tỉnh Kiên Giang đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo đề xuất thành lập Khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương (huyện Kiên Lương, Kiên Giang).
TS. Lưu Hồng Trường – Phó viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – cho biết:”Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu và thống kê thực địa tại khu vực núi đá vôi thuộc huyện Kiên Lương, Viện và IUCN thống nhất đề xuất thành lập khu bảo tồn có diện tích ước khoảng gần 720 ha. Mặc dù diện tích khu vực đề nghị bảo tồn không lớn, nhưng lại chứa đựng mật độ đa dạng sinh học rất đáng kinh ngạc, nếu không muốn nói là chưa từng thấy tại các quần thể núi đá vôi khác trên khắp Việt Nam. Chúng tôi đề xuất tám ngọn núi đá vôi để bảo tồn là: Núi Chùa Hang – Hòn Phụ Tử, núi Hang Cá Sấu, núi Bà Tài, núi Mo So, núi Hang Tiền, Hòn Lô Cốc, Hòn Đá Lửa và núi Sơn Trà Nhỏ”.
TS. Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – cho rằng nói đến bảo tồn núi đá vôi thì không thể chỉ đơn giản là khoanh vùng quanh chân núi, mà yêu cầu bắt buộc là phải bảo tồn luôn cả vùng cảnh quan thiên nhiên xung quanh. “Hiện tại, đây chính là điều mà chúng tôi hết sức lưu ý và lo ngại do áp lực khai thác tài nguyên quá lớn” TS. Long – phát biểu.
TS. Lưu Hồng Trường – một lần nữa khẳng định Bà Tài chính là ngọn núi trung tâm, chứa đựng toàn bộ các chủng loài động – thực vật đặc hữu (tức các loài đã sinh tồn, biến đổi và phát triển qua hàng trăm năm tại một khu vực) của cả khu vực núi đá vôi Kiên Lương. “Chúng tôi hy vọng chính quyền tỉnh Kiên Giang sẽ tích cực phối hợp với chúng tôi để sớm hình thành khu bảo tồn, nếu không sẽ không kịp, mà không giữ được nguyên vẹn núi Bà Tài thì sẽ phá vỡ cả chuỗi liên kết tám ngọn núi đá vôi” – TS. Long – chia sẻ.
Về phía tỉnh Kiên Giang, bà Võ Thị Vân – Phó giám đốc Sở TN&MT – khẳng định toàn bộ các ngọn núi được đề xuất đưa vào khu bảo tồn đều đã được tỉnh đưa vào quy hoạch cấm khai thác hoặc tạm cấm khai thác từ nhiều năm trước, nhờ vậy mà mới còn tồn tại đến ngày nay (!). Do đó nếu thành lập khu bảo tồn tại đây sẽ không gặp khó khăn nào đáng kể.
Tuy nhiên, bà Vân cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng hiện nay Chính phủ đã chọn Kiên Giang là tỉnh phát triển kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL. Mà trong đó các hoạt động kinh tế lại chủ yếu hướng ra biển, vì vậy nên chăng xem xét quy hoạch khu bảo tồn núi đá vôi dời về phía đất liền từ núi Mo So trở vào.
Để giải toả băn khoăn của các nhà khoa học, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa – khẳng định về mặt quan điểm tỉnh hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Khu bảo tồn núi đá vôi Kiên Lương. “Bảo tồn là cần thiết, nhưng cũng phải xem xét tới nhu cầu khai thác để phát triển. Cái nào trước đây do lịch sử để lại đã khai thác rồi thì sẽ phải cho khai thác tiếp, cái nào chưa khai thác thì chúng tôi nhất trí đưa vào quy hoạch bảo tồn” – Phó chủ tịch Lâm Hoàng Sa nói.
Phó chủ tịch Lâm Hoàng Sa cũng chỉ đạo giao các sở, ngành và chính quyền huyện Kiên Lương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn chỉnh đề án thành lập khu bảo tồn. Sau khi hoàn chỉnh, đề án sẽ được UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét cho ý kiến chỉ đạo.