Mong manh cây lúa ĐBSCL trước thủy điện Mê Kông

ThienNhien.Net – “Nếu ví sông Mê Kông như một cái cây, thì thượng nguồn phần chảy qua lãnh thổ Trung Quốc và Miến Điện là rễ cái, các nhánh chảy vào dòng chính sông Mê Kông là rễ phụ, dòng chính sông Mê Kông từ Lào xuống Việt Nam là thân cây, các nhánh sông đổ ra biển là cành cây và các đồng bằng dọc hai bên sông là phần lá cây. Những gì chúng ta nhìn thấy hiện nay là cái cây Mê Kông ấy đang bị người ta chặt phá, chặt hết rễ phụ đến rễ cái rồi chặt đến cành cây, thân cây. Có thể nói quyết định xây các đập thủy điện trên dòng nhánh đổ vào sông Mê Kông là các nhát dao chặt vào rễ phụ, các đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính là những nhát dao chặt vào rễ cái, đập Xayaburi của Lào như một nhát dao bổ vào gốc cây. Một cái cây mà bị chặt hết rễ cây, cành cây, thân cây thì lá cây chắc chắn sẽ héo rũ. Đó là hình ảnh tương lai của chúng ta nếu như cái cây Mê Kông tiếp tục bị người ta khai thác, chặt phá.”

Ấy là ví von đầy ám ảnh của Tiến sĩ Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ khi bàn về số phận của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trước mối đe dọa là những con đập thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông. Là một nhà nghiên cứu tâm huyết, là người con của mảnh đất này, ông canh cánh trong lòng nhiều trăn trở về số phận cây lúa trong tương lai và gắn với đó là cuộc sống, sinh kế của người dân. Tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của một nhà khoa học bận rộn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông về vấn đề này.

PV: Dòng sông Mê Kông hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền nông nghiệp lúa nước của các nước trong lưu vực. Xin Tiến sĩ cho biết nếu các đập trên dòng chính sông Mê Kông được xây dựng theo kế hoạch thì nền sản xuất lúa nước ở các nước hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Riêng nguồn nước sông Mê Kông hiện nay mỗi năm đang giúp Thái Lan sản xuất 3 triệu tấn gạo, Lào 3 triệu tấn, Campuchia 6,8 triệu tấn và Việt Nam 24 triệu tấn – trong đó có 7 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Từ đó có thể thấy là gần như toàn bộ lượng lúa gạo của các nước Việt Nam, Campuchia và Lào đều lệ thuộc vào nguồn nước từ sông Mê Kông. Chính vì vậy tôi không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam và Campuchia như đang ngồi trên đống lửa, nhưng tôi lại ngạc nhiên là Lào rất sẵn sàng để đổi gạo lấy điện! Bởi vì nếu không còn nước thì sẽ không còn lúa gạo. Thái Lan thì còn có đồng bằng Chao Phraya cung cấp lúa gạo, chứ sản lượng lúa gạo của Campuchia, Việt Nam và Lào đều phụ thuộc chủ yếu vào nước sông Mê Kông. Còn nếu nói Lào sản xuất lúa chỉ dựa vào nguồn nước mưa (lúa rẫy) trong khi ai cũng biết là trong tương lai lượng mưa sẽ không chắc chắn, do biến đổi khí hậu toàn cầu, thì rủi ro thiếu hụt nước càng cao.

Dòng sông này đang bị khai thác từ nhánh phụ đến dòng chính để làm thủy điện (Ảnh: Bạch Dương)
Dòng sông này đang bị khai thác từ nhánh phụ đến dòng chính để làm thủy điện (Ảnh: Bạch Dương)

PV: Thưa Tiến sĩ, lâu nay chúng ta vẫn tự hào về vựa lúa ĐBSCL, vùng đất được phù sa Mê Kông nuôi dưỡng này đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu có các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, vựa lúa của chúng ta sẽ bị tác động ra sao?

Trồng lúa có thể nói là loại hình sản xuất rất xa xỉ về nguồn nước. Cây lúa là cây xài nước nhiều nhất. Trong khi đó, hàng chục năm qua chúng ta không mấy quan tâm về nguồn nước mà chỉ chú trọng tới sản lượng lúa và đi vào mở rộng diện tích trồng lúa, thâm canh tăng vụ… Để sản xuất được 1 kg gạo chúng ta phải xài tới gần 4,5m3 nước, vậy nhân lên thử với 7 triệu tấn gạo xuất khẩu thì chúng ta đã xuất khẩu bao nhiêu tỷ khối nước? Có người lập luận là lượng nước thật để sản xuất 1Kg gạo không quá lớn như vậy vì phần lớn nước trong 4.5m3 nước đó là “nước ảo”. Nhưng có lẽ cũng vì quá chú trọng đến sản lượng mà người ta đã quên đi chất lượng! Bởi vì không có nước để tẩy rửa đồng ruộng, duy trì ẩm độ làm cho đất không bị hóa phèn, hóa mặn… thì làm sao có được sản lượng cao và chất lượng gạo tốt để mà xuất khẩu? Nhất là trong bối cảnh độ an toàn lương thực của xã hội đòi hỏi càng ngày càng cao hơn?

Thế mà trong khi chúng ta đang hả hê, thỏa mãn về sản lượng gạo xuất khẩu thì chúng ta quên mất một điều là môi trường đang thay đổi mà thay đổi lớn nhất là nguồn nước. Đặc biệt, nguồn nước này lại không nằm trong tầm kiểm soát của mình vì mình là nước cuối nguồn. Các quốc gia khác, như Campuchia gần đây đã đặt mục tiêu mở rộng 1 triệu ha trồng lúa và xuất khẩu vài triệu tấn gạo. Như vậy là các nước ở phía trên mình cũng cần tài nguyên giống hệt mình. Vậy nếu họ chặn nước tưới thì nước đâu cho ĐBSCL, đấy là chưa nói nhu cầu về nước của Thái Lan và Lào.

Không có nước thì không có cây lúa. Vậy nên tôi xin nói là ai “gan” lắm thì mới dám đứng ra đoán sản lượng gạo trong tương lai của Việt Nam là bao nhiêu vì sau này chắc chắn là chúng ta không đủ nước (số lượng và chất lượng) để sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn cao phục vụ xuất khẩu. Thực tế là nhiều vùng ở Việt Nam đã chứng kiến tình trạng suy giảm và khan hiếm nước ngay ở thời điểm hiện tại, chính người nông dân cũng nhận ra điều này.

PV: Có một thực tế là cho dù Việt Nam và Campuchia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông thì đến nay con đập đầu tiên trên hạ nguồn vẫn đã được xây dựng và chúng ta cũng chưa biết liệu trong tương lai còn có thêm các con đập khác hay không. Chưa nói đến các biến động môi trường khác, riêng với tình trạng khan hiếm nước liệu chúng ta có cách nào để ứng phó không? Chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với tình trạng thiếu nước có thể coi là một lựa chọn không, thưa Tiến sĩ?

Mấy chục năm nay ĐBSCL phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất là vì cây lúa chứ không phải loại hình sản xuất nào khác. Thế nên bây giờ hô hào chuyển đổi cũng rất khó khăn và tốn kém. Nói đơn giản như việc chuyển qua trồng màu cũng không thể làm ngay vì lấy hệ thống tưới ở đâu? Hệ thống tưới tiêu nội đồng không có, kênh rạch lâu nay đã bị xóa bỏ hết để làm nên những cánh đồng rộng lớn thuận tiện cho việc khai thác bằng cơ giới rồi.

Ngoài ra vốn kinh nghiệm của con người bấy lâu nay cũng là gắn với cây lúa. Hạ tầng kinh tế từ thu gom, phân phối, sử dụng, tạm trữ ở đâu, bán cho ai cũng là cây lúa. Đây mới là điểm khó. Mấy năm nay nhà nước muốn tăng thu nhập cho người nông dân bằng thúc đẩy giá lúa nhưng đâu có làm được. Nhà nước chỉ quản lý được kinh tế vĩ mô chứ không thể quản lý được chân rết hạ tầng về cây lúa từ việc bán cho ai, bán bao nhiêu…

Nói nôm na thì việc sản xuất lúa đã dẫn ĐBSCL vào một đường hầm sâu lắm rồi, giờ muốn quay lại là cả một thách thức lớn. Đây không chỉ là câu chuyện tăng hay giảm diện tích lúa để thay đổi cục diện sản xuất. Muốn thay đổi phải thay đổi hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế và trình độ của người sản xuất.

Hơn nữa, kể cả Việt Nam trong tương lai có thể chuyển được 80% người dân ở nông thôn từ làm lúa sang làm công việc khác thì vẫn phải đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng trong đó có vấn đề thiếu nước. Thiếu nước thì ảnh hưởng đến các nguồn sản phẩm chính của ĐBSCL là lúa, cá và cây ăn trái. Từ đó sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các thành phần khác. Nói tóm lại, chúng ta đang đi trên một con đường đã xây dựng rất chắc chắn là trồng lúa, để tìm một ngã rẽ khác chúng ta cần có thời gian.

Tôi nghĩ việc bàn đến giải pháp thích nghi hay ứng phó lúc này là chưa đánh giá đúng mức vai trò của ĐBSCL. Bởi vì hãy xem chuyện lúa gạo chẳng hạn, việc sản xuất 24 triệu tấn lúa một năm đâu phải chỉ cho dân ĐBSCL hay dân Việt Nam ăn thôi, mà có rất nhiều quốc gia khác cũng ăn nguồn gạo này! Nhưng quan trọng nhất là có nơi nào trên thế giới mà trong 100 ngày (3 tháng) có thể làm ra 8 triệu tấn lương thực? Bài học về khủng hoảng lương thực năm 2009 vẫn còn đó và nhiều nước dù có dư tiền bạc, máy móc nhưng lại thiếu gạo ăn! Vì vậy phải nghĩ mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội, để cho các đập thủy điện này đừng xây dựng sẽ tốt hơn cho Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

PV: Như vậy, chỉ tính riêng tác động của thủy điện trên sông Mê Kông đối với sản xuất lúa gạo đã là rất nghiêm trọng, nhưng có vẻ như tiếng nói quan ngại của chúng ta đang chưa được lắng nghe một cách đúng mức, một phần có phải là do chúng ta thiếu các bằng chứng, các nghiên cứu thuyết phục không, thưa Tiến sĩ?

Người ta thường yêu cầu chứng minh bằng con số nhưng đó là suy nghĩ chưa thấu đáo. Trên thế giới đã có quá nhiều bài học, kinh nghiệm đau thương về thủy điện mà không cần phải chứng minh thêm nữa. Người ta đang nhầm lẫn giữa khái niệm “cảnh báo” và “chứng cứ”. Vậy nên nhiều người cứ hỏi thủy điện họ chưa xây mà sao mình đã “la” lên. Câu chuyện này cũng tựa như ta nhìn thấy một đứa bé đang đi từ từ về phía một cái hố, vậy chúng ta nên đợi đến lúc em bé bị té rồi, xem coi bị thương như thế nào, rồi mới “la” hay sao?! Đó là bất cập của đàm phán, thương lượng khi mà một bên không có thiện ý thì luôn luôn đòi hỏi phải chứng minh tác động bằng con số cụ thể. Trong khi đó tác động của thủy điện đối với môi trường, văn hóa, xã hội là rất khó tiên đoán trước và đo đếm chính xác, kể cả khi nó đã xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay cả thế giới đã phải thay đổi quan điểm về thủy điện; mặc dù nó từng được kỳ vọng là nguồn “năng lượng sạch” có thể thay thế than đá và dầu hỏa. Việc xây dựng thủy điện trên dòng Mê Kông của Lào sẽ đem lại nhiều bất cập về nguồn nước cho cả lưu vực, trong đó có cả Lào.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này.

[quote by=”Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Dragon), ĐH Cần Thơ, cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)“]Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu chưa xem xét tác động của thủy điện dòng chính Mê Kông:

Trong thời gian qua chúng ta đã bỏ ra 1-2 tỷ cho chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng hầu hết các nghiên cứu đều không xem xét hoặc xem xét rất sơ bộ các tác động của đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông vì chúng ta chưa thể biết khi nào đập sẽ được xây dựng, khi nào vận hành và vận hành như thế nào. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm rằng nếu chúng ta làm tổ hợp các phương án vận hành đập khác nhau thì để có đáp số chúng ta phải chạy bài toán lên tới trên một ngàn các tổ hợp khác nhau, mà hoàn toàn dựa trên phỏng đoán. Điều này vượt khả năng của các tỉnh ĐBSCL. Hiện nay ĐBSCL đang làm Quy hoạch tổng thể và cũng gặp khó khăn trong việc quy hoạch sử dụng nước khi tính đến việc các con đập đã được lên kế hoạch đi vào vận hành. Nếu được vận hành, tác động của các con đập này có thể phá hỏng tất cả các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu của chúng ta hiện nay như bố trí lệch thời vụ, tăng cường giống chịu hạn, xây đê đập chống ngập…[/quote]

Thông điệp từ Diễn đàn Nhân dân “Dòng sông Mê Kông trong tương lai: Mối quan tâm của người dân về phát triển thủy điện” tại Đại học An Giang, 01/08/2013:

1) Các đập trên dòng chính sông Mê Kông đang hoặc sắp xây dựng phải được đình hoãn cho đến khi các nghiên cứu toàn diện được thực hiện theo khuyến cáo của Đánh giá Môi trường chiến lược (SEA) mà Ủy hội sông Mê Kông đã thực hiện, cũng như khuyến cáo từ các tổ chức, cơ quan khác.

2) Quyết định về lập kế hoạch và xây dựng đập phải dựa trên việc xem xét các bằng chứng sẵn có, bao gồm cả kiến thức, kinh nghiệm, mối quan tâm của các cộng đồng và các nghiên cứu khoa học.

3) Quyết định này cũng phải được đưa ra sau khi công bố thông tin đầy đủ, kịp thời và tham vấn một cách có ý nghĩa với cộng đồng địa phương cùng các bên liên quan.

4) Nghiên cứu bổ sung phải được thực hiện để đáp ứng những thiếu hụt về kiến thức hiện có, đặc biệt là đối với các tác động xuyên biên giới và lâu dài của dự án thủy điện được đề xuất, chú trọng đến những dự án trên dòng chính Mê Kông. Nhu cầu năng lượng – vốn là lý lẽ biện minh của các dự án xây dựng các đập thủy điện – cũng cần phải được xem xét nghiêm túc ở cả cấp quốc gia và khu vực. Việc phát triển năng lượng thay thế phải được thúc đẩy và đưa vào các chính sách năng lượng quốc gia cũng như khu vực.

5) Quá trình tham vấn và ra quyết định một cách hiệu quả phải được thiết lập ở cả cấp quốc gia và khu vực dựa trên các đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau và bài học kinh nghiệm của Ủy ban sông Mê Kông với đập thủy điện, đặc biệt là với trường hợp Xayaburi.

6) Đảm bảo việc lập kế hoạch tổng thể cho lưu vực một cách hiệu quả và có sự phối hợp, bao gồm cả việc chia sẻ lợi ích trên cơ sở sử dụng công bằng dòng sông Mê Kông và các nguồn tài nguyên của nó.

 

Bạch Dương/DĐĐT