ThienNhien.Net – Lâu nay, Trung Quốc vẫn nắm độc quyền khai thác và sản xuất đất hiếm, thành phần thiết yếu trong các tua-bin gió, điện thoại, tên lửa và các sản phẩm công nghệ cao khác. Tuy nhiên gần đây, hoạt động khai thác đất hiếm đang được mở rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng này đang được các nhà khoa học cảnh báo về sự gia tăng nguy cơ phơi nhiễm chất thải độc hại và rò rỉ phóng xạ từ các mỏ và nhà máy chế biến.
Thời gian qua, việc nắm độc quyền khai thác các kim loại đất hiếm đã mang lại cho Trung Quốc lợi thế nhất định song cũng kéo theo nhiều hệ lụy đối với môi trường và đời sống người dân cư trú quanh khu vực có đất hiếm. Hiện nay, nước này vẫn là quốc gia chiếm hơn 95% sản lượng đất hiếm toàn thế giới, với 2/3 trong số đó được chế biến ở Bao Đầu thuộc vùng Nội Mông khiến khu vực này bị ô nhiễm nặng nề.
Không chỉ chứa các độc chất, trong bãi chất thải từ các mỏ và nhà máy chế biến đất hiếm, người ta còn phát hiện những nguyên tố phóng xạ, điển hình là thori – chất đồng vị phóng xạ có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư phổi, tuyến tụy và các căn bệnh nan y khác.
Chưa hết, chất thải đất hiếm còn rò rỉ ra đất đai, sông, suối… gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Bệnh tật, mùa vụ thất thu cộng với những lo lắng về tác động khó lường của chất thải đất hiếm đã khiến nhiều hộ gia đình sống gần khu vực khai thác, chế biến những kim loại quý hiếm này phải bỏ nhà cửa, vườn tược, di tản tới nơi ở mới.
Gần đây, khi nhu cầu về đất hiếm ngày càng gia tăng, không chỉ có Trung Quốc mà hàng loạt quốc gia khác như Hoa Kỳ, Brazil, Mông Cổ, Ấn Độ, Malaysia… đã lên kế hoạch triển khai các dự án mới hoặc tái khởi động lại các dự án đã bị tạm ngưng.
Tại California (Hoa Kỳ), tập đoàn Molycorp Minerals đã tái khởi động hoạt động chế biến đất hiếm gần Thung lũng Chết từng bị đình chỉ hồi năm 2002, sau khi đã được trang bị để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước ngầm từng xảy ra trước đó.
Còn ở Brazil, nhà khai mỏ lớn Vale đang cân nhắc việc sản xuất đất hiếm tại một mỏ đồng ở Amazon.
Ấn Độ gần đây cũng đã đồng ý xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và một công ty con của Toyota đang chuẩn bị khai thác đất hiếm ở Việt Nam.
Tại Greenland, một số công ty cũng đang xúc tiến hoạt động khai thác và chế biến nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào của hòn đảo này.
Theo cảnh báo của giới khoa học, với đà khai thác hiện nay, nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ, các dự án khai thác đất hiếm có thể sinh ra các vũng chất thải, làm rò rỉ a-xít, kim loại nặng và các nguyên tố phóng xạ vào nước ngầm.
Phạm vi khai thác mở, nguy cơ nhiễm độc tăng
Tháng 11 năm ngoái, lô hàng đất hiếm thô đầu tiên đã được chuyển đến nhà máy chế biến Lynas Advanced Materials (LAMP) trị giá 800 triệu USD nằm trên bờ biển phía đông Malaysia do Tập đoàn Lynas (Úc) điều hành. Nếu hoạt động hết công suất, nhà máy này sẽ trở thành cơ sở chế biến đất hiếm lớn nhất thế giới, phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Thế nhưng, nhiều người dân sống gần nhà máy tỏ ra lo ngại rằng nhà máy LAMP sẽ làm nảy sinh những vấn đề môi trường nghiêm trọng cũng giống như trường hợp của Trung Quốc hay của chính các nhà máy tại Malaysia cách đây hơn hai thập kỷ.
Tập đoàn hóa chất Mitsubishi Chemical của Nhật Bản hiện đang tham gia một dự án tẩy sạch nhà máy chế biến đất hiếm trị giá 100 triệu USD ở Bukit Merah (Malaysia). Nhà máy này đã bị đóng cửa từ năm 1992 do sự phản đối của dân địa phương, các chính trị gia và các nhà môi trường Nhật Bản. Cho đến nay, đây là một trong những khu vực tẩy chất thải phóng xạ lớn nhất châu Á.
Trường hợp nhà máy LAMP của Lynas cũng không sáng sủa hơn. Nghiên cứu gần đây của Viện Sinh thái Ứng dụng (có trụ sở tại Đức) cho thấy những tác động tiềm ẩn mà nhà máy này gây ra đối với môi trường, nhất là nguy cơ rò rỉ phóng xạ ngay cả trong điều kiện hoạt động bình thường mặc dù Lynas vẫn khăng khăng rằng lượng phóng xạ trong chất thải đất hiếm của nhà máy hai thập kỷ tới vẫn sẽ nằm trong giới hạn mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đề ra và có thể được xử lý an toàn trong các hố chôn rác có kiểm soát.
Trên thực tế, chưa quốc gia nào có nhiều nhà máy chế biến đất hiếm với nhiều vấn đề môi trường như Trung Quốc. Năm ngoái, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đã thừa nhận nửa thế kỷ khai thác và chế biến đất hiếm ở nước này đã gây tổn hại nghiêm trọng tới thảm thực vật bề mặt; dẫn đến xói mòn đất, ô nhiễm, a-xít hóa; làm giảm, thậm chí mất sản lượng cây lương thực; đồng thời thải ra môi trường một lượng nước thải có nồng độ phóng xạ cao.
Theo Viện Sinh thái Ứng dụng, trong hơn bốn thập kỷ hoạt động, Bayan Obo – dự án đất hiếm lớn nhất Trung Quốc – đã tạo nên một ao thải chứa bùn độc hại có nồng độ thori cao rộng 11km2, gấp 3 lần diện tích Công viên Trung tâm của New York (Hoa Kỳ).
Báo cáo về ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc do Viện Phân tích An ninh Toàn cầu (có trụ sở tại Washington) công bố năm 2010 cũng khẳng định bản thân Trung Quốc chưa từng thực sự quan tâm tới các tiêu chuẩn xả thải trong khi giống như các nhà máy điện hạt nhân, các dự án đất hiếm cũng đòi hỏi những quy chuẩn và sự giám sát nghiêm ngặt nhằm hạn chế tác động môi trường.
Để tránh xảy ra tình trạng xấu hơn, các nhà nghiên cứu đang tìm cách tái sử dụng đất hiếm từ các sản phẩm hiện có và sản xuất các sản phẩm không cần dùng đất hiếm, chẳng hạn như loại động cơ điện không sử dụng pin chứa đất hiếm mà Toyota đang phát triển.
Còn ở một số điểm nóng về khai thác đất hiếm khác trên thế giới như Malaysia, người dân vẫn đang tiếp tục biểu tình phản đối hoạt động của các nhà máy khai thác, chế biến đất hiếm mà họ lo ngại có tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe.