ThienNhien.Net – Sau khi bão số 6 quét qua các tỉnh Bắc Bộ, hệ thống đê điều của một số tỉnh bị hư hại nặng nề. Trong khi đó theo dự báo, ngoài áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông, còn có một cơn bão với sức tàn phá mạnh cũng đang tiến vào vùng biển này.
Đê bị xói lở, nước tràn bờ
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (BCĐ PCLB) Trung ương, tại địa bàn Hà Nội, tại K 5+000 đê La Thạch phía thượng lưu bị xói lở hàm ếch dài khoảng 30 m.
Tại tỉnh Bắc Ninh cũng đã xuất hiện một số sự cố trên tuyến đê Hữu Cầu. Cụ thể, tại huyện Yên Phong, ở khu vực K29+100 xảy ra sạt mái cơ đê với chiều dài 40 m, lún từ 3 – 10 cm; 6 đoạn đê khác xảy ra hiện tượng thẩm lậu nước ra mái đê. Tại khu vực K29+150 cũng xuất hiện bãi sủi cách chân đê 2 m, đường kính bãi sủi 80 cm. Tại huyện Quế Võ, khu vực K69+900-K70+100 xảy ra thẩm lậu nước trong ra mái đê.
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bắc Giang, khu vực K14+070-K14+640 đê Hữu Thương huyện Tân Yên bị sạt lở nghiêm trọng, một số cung sạt lấn sâu vào mái đê từ 2 – 3 m. Ngày 9/8, tại K14+485, cung sạt tiếp tục phát triển về thượng và hạ lưu; khu vực K14+500, K14+530 xuất hiện cung sạt mới. Khu vực bờ bao sông Cổ Mân huyện Lục Nam xảy ra tràn bờ với mực nước từ 30 -100 cm, trên chiều dài khoảng 1.400 m. Còn khu vực bờ sông Thương, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang bị sạt lở nghiêm trọng.
Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Hưng Yên cho biết, ngày 4/8, khu vực cuối kè Nghi Xuyên tương ứng K105+900 đê Tả Hồng xuất hiện cung sạt dài 30 m, mái thẳng đứng, sâu 10 m. Đến ngày 9/8, cung sạt này tiếp tục diễn biến, lấn sâu vào phía đê khoảng 5 m, cách nhà dân và di tích lịch sử khoảng 10 m.
Còn tại Hà Nam, nhiều đoạn đê Đáy bị trượt mái đê, nứt với vết nứt rộng từ 7 – 10 cm. Nhiều đoạn đê hữu Kinh Thầy ở Hải Dương xuất hiện cung sạt dài hàng chục mét; hàng trăm mét kè ở khu vực Quất Lâm (Nam Định) bị sóng đánh vỡ…
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực BCĐ PCLB Trung ương cho biết, hiện đoạn sạt lở đê Hữu Thương là nghiêm trọng nhất, với đoạn sạt lở dài 500 – 600 m. Ông Diệu cho biết thêm, điểm sạt lở này đã xuất hiện từ cơn bão số 5 và diễn biến nghiêm trọng trong cơn bão số 6. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương Cao Đức Phát đã tới hiện trường và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục điểm sạt lở này.
Chuẩn bị ứng phó với cơn bão mới
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện trên Biển Đông đang có một áp thấp nhiệt đới hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa. Đồng thời, một cơn bão khác có tên gọi Utor với sức gió giật lên tới cấp 15, 16 đang tiến vào Biển Đông. Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Xuân Diệu cho biết thêm, BCĐ PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN đã đề nghị các địa phương, các bộ, ngành tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng tránh, thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ liên lạc với các chủ phương tiện, đặc biệt là đối với các tàu đánh bắt xa bờ để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN/Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến sáng qua (11/8), Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.760 phương tiện với 206.340 người biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão Utor để chủ động di chuyển phòng tránh. Theo thống kê hiện có 28 tàu với 297 người đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa; 1.089 tàu với 10.139 người đang hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa và giữa Hoàng Sa với Trường Sa; 46.643 tàu với 195.904 người đang neo đậu tại bến và hoạt động tại các vùng biển khác.