Hải Dương: Kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Hải Dương hiện có 37 cơ sở kinh doanh than nằm trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố. Các cơ sở này đều nằm gần bến sông, xa khu dân cư, cung cấp khoảng 55.000 tấn than/tháng ra thị trường. Tuy nhiên, do công tác quản lý của các cơ quan chức năng lỏng lẻo dẫn đến nhiều sai phạm, trái với Thông tư số 04/2007/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Trước hết, trong số 37 cơ sở kinh doanh than nói trên, chỉ có 17 cơ sở bố trí phân các lô chứa từng loại than khác nhau; 20 cơ sở còn lại không phân lô chứa than theo đúng quy định. Vẫn trong số đó chỉ có 17 cơ sở có tường bao bảo vệ và chống ô nhiễm bụi, ô nhiễm nguồn nước.

Đáng lưu ý, kết quả kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh than tại 2 huyện: Kim Thành và Kinh Môn của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương gần đây cho thấy, hầu hết các cơ sở này chưa đăng ký kinh doanh, thỏa thuận quy hoạch. Nhiều cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên kinh doanh than không đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các cơ sở đều không có giấy chứng nhận khám sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên; việc cam kết bảo vệ môi trường đều mang tính hình thức, ô nhiễm vẫn xảy ra rất nghiêm trọng.

 

Ảnh minh họa (Dân Việt)
Ảnh minh họa (Dân Việt)

Được biết, theo quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh than, Hải Dương chỉ cần 40 điểm kinh doanh than bảo đảm điều kiện kinh doanh. Cụ thể, huyện Kim Thành duy trì hoạt động kinh doanh tại 3 điểm hiện có. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, riêng khu vực gần cầu An Thái, thị trấn Phú Thái đã có tới 3 điểm. Khu vực gần phà Mây, xã Thượng Vũ cũng có 5 điểm. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều không có tường bao quanh. Than được tập kết thành những đống lớn, theo nước mưa chảy xuống hết rạch, hồ ao, tràn cả xuống khu dân cư và ruộng đồng gây bức xúc cho người dân.

Để né tránh sự kiểm tra, các chủ than đều không hợp tác với các cơ quan chức năng khi bị nhắc nhở, xử lý.

Thực trạng trên cho thấy, công tác quy hoạch, quản lý kinh doanh than trên địa bàn Hải Dương đang bị buông lỏng, dẫn đến những hệ lụy cho đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Kèm theo đó là những vi phạm cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh như nghĩa vụ thuế; chất lượng, nguồn gốc hàng hóa…

Thực tế cho thấy, nếu không quản lý chặt chẽ, hoạt động kinh doanh than trên địa bàn Hải Dương có nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch.

Để lập lại trật tự trong hoạt động này, các lực lượng chức năng của tỉnh như QLTT, Công an, Thuế, Thanh tra TNMT… cần khẩn trương, quyết liệt vào cuộc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, thậm chí rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với các đơn vị vi phạm.

Các ngành chức năng khác cũng cần tăng cường hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh than về chuyên môn, nghiệp vụ trong bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, sớm đưa vào hoạt động của doanh nghiệp than đi vào nền nếp