ThienNhien.Net – Thời gian qua ở nước ta đã diễn ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng như nổ hóa chất Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, Đạm Hà Bắc, Photpho vàng Lào Cai, tràn dầu ở 10 tỉnh, thành….gây rất nhiều thiệt hại cho kinh tế xã hội. Nhưng theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm cho thấy chỉ mới có 5 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch phòng ngừa ứng phó và khắc phục (PNƯPKP) sự cố môi trường cấp tỉnh và chỉ có 7 tỉnh, thành đã phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo tinh thần Công văn 69/CV-UB.
Phát biểu trong hội thảo “Đánh giá công tác PNƯPKP sự cố môi trường liên quan đến hóa chất và PolyChlorinated Biphenyls- PCB” diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 8-8, ông Trần Thế Loãn- Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm đánh giá công tác PNƯPKP sự cố môi trường ở các địa phương hiện nay thường rất lúng túng, chính vì vậy càng làm tăng thêm nguy cơ, thiệt hại từ sự cố.
Những khó khăn vướng mắc trong triển khai theo ý kiến của các tỉnh, thành là do khung pháp lý của công tác PNƯPKP sự cố môi trường còn nhiều tồn tại như chồng chéo một số khái niệm, định nghĩa và hoạt động ở Luật Hóa chất năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường 2007. Chưa có các quy định cụ thể, pháp lý về ứng cứu sự cố môi trường hầu như chỉ hướng dẫn chung chung, mang tính ứng phó trước mắt nên không có cái nhìn tổng quát. Cơ chế phối hợp thì chưa thống nhất, quy định không cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của các ban ngành. Cơ chế chia sẻ, báo cáo thông tin chưa hiệu quả… Những vướng mắc này cần được giải quyết bằng văn bản hướng dẫn cụ thể về triển khai xây dựng và triển khai Kế hoạch PNƯPKP sự cố môi trường.
Trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh từ năm 2005-2013 đã xảy ra 16 sự cố gây tràn dầu, nơi xảy ra nhiều nhất là khu vực sông huyện Cần Giờ ( 7 vụ) và cảng Cát Lái ở quận 2 (5 vụ). Nguyên nhân dẫn đến sự cố là do các phương tiện va đâm vào nhau, trong đó có 14 vụ tràn dầu dưới 20 tấn và có 2 vụ tràn dầu dưới 500 tấn.
Từ thực tế triển khai công tác ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, Sở Tài nguyên môi trường Tp.Hồ Chí Minh kiến nghị các bộ ngành Trung ương xây dựng quy chế phối hợp thông tin, hỗ trợ trang thiết bị công tác ứng phó sự cố tràn dầu giữa các tỉnh; Hướng dẫn công tác quản lý và xử lý chất thải nhiễm dầu, đánh giá tác động, phục hồi môi trường sau khi kết thúc công tác ứng cứu; Bổ sung cơ sở pháp lý về công tác đánh giá thiệt hại và bồi thường; Bồi dưỡng các kiến thức về quản lý PCB đảm bảo an toàn về môi trường cho các đối tượng đang trực tiếp quản lý, lưu giữ để ngăn ngừa việc PCB đi vào môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.