ThienNhien.Net – Trong cuộc họp xây dựng chiến lược truyền thông giảm thiểu tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) do Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (BCA) tổ chức trung tuần tháng 7 tại Xuân Thủy, có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên tập trung vào nhóm đối tượng nào để truyền thông. Đáng chú ý, Nhà báo Phùng Quang Chính, Ủy viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng phải bắt đầu từ chính các cơ quan báo chí. Một cuộc trò chuyện nhanh với ông đã diễn ra ngay hành lang phòng họp.
– Vì sao ông lại cho rằng truyền thông giảm tiêu thụ ĐVHD nên bắt đầu từ báo chí?
Ông Phùng Quang Chính: Muốn bảo vệ ĐVHD, cộng đồng cần phải hiểu đúng, trong đó có cả các cơ quan báo chí. Báo chí góp phần định hướng dư luận nên nếu truyền tải thông tin không rõ và không chuẩn thì cộng đồng sẽ rất mù mờ.
Viết về mảng buôn bán động vật hoang dã xưa nay vốn không phải dễ dàng. Khi bài báo đăng sẽ đến với nhiều người đọc. Nếu một phóng viên hoặc một tờ báo thông tin không chính xác, có thể do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin hoặc không kiểm tra kỹ nguồn thì hậu quả sẽ không biết thế nào. Vì vậy, trước hết nhà báo phải có kiến thức về lĩnh vực cần truyền thông và đặc biệt phải có kỹ năng truyền thông nữa.
– Vậy để truyền thông “chuẩn”, báo chí cần được hỗ trợ như thế nào?
Ông PQC: Họ cần được các cơ quan chức năng, các tổ chức chuyên môn tạo điều kiện. Nếu được cung cấp những thông tin chuẩn xác thì nhà báo không chỉ lên án được các hành vi xâm hại ĐVHD, họ còn có thể phơi bày những kẽ hở trong quản lý cũng như trong các văn bản luật pháp về lĩnh vực này.
– Liệu những thông điệp như “Sừng tê giác không phải là thuốc” hay “Nhiều thảo dược có thể thay thế mật gấu”… mà các tổ chức bảo tồn đưa đến công chúng thông qua báo chí đã đủ sức thuyết phục độc giả?
Ông PQC: Nếu nhà báo cứ bê nguyên những thông điệp như thế lên báo thì chúng chỉ là khẩu hiệu. Đó là còn chưa nói đến tác dụng ngược của những khẩu hiệu này bởi nó có thể khơi gợi sự tò mò, kích thích dùng sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng còn nặng tâm lý cố tình săn lùng hàng quý hiếm, hàng độc đấy thôi. Không thể nào chỉ nói suông mà phủ nhận hoàn toàn tác dụng của vây cá mập, mật gấu, cao hổ hay sừng tê giác từ xưa đến nay cả. Điều quan trọng là báo chí phải nói trúng.
– Ông có thể giải thích rõ hơn?
Ông PQC: Nếu nhà báo dẫn lời khẳng định hoặc kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia đầu ngành về hiệu quả thực cũng như hệ lụy khi sử dụng các loại sản phẩm này thì chắc chắn lượng người tiêu dùng sẽ giảm đi.
Chẳng hạn, vây cá mập hiện đang được rao bán với giá rất cao nhưng vẫn có rất nhiều người khá giả săn lùng để mua cho người nhà dùng, nhưng chỉ cần một chuyên gia nổi tiếng khẳng định rằng nghiên cứu của họ cho thấy giá trị của vây cá mập chỉ tương đương với vây cá tra thì chắc chắn sẽ không còn chuyện đó.
– Đó là với người tiêu thụ, vậy còn những người dân địa phương dễ trở thành đối tượng săn trộm động vật hoang dã, báo chí cần tuyên truyền ra sao?
Ông PQC: Trước hết phải nói rằng họ là người nghèo, ở vùng sâu vùng xa. Thời buổi này, bà con đã có điều kiện tiếp cận với nhiều loại hình báo chí, bằng cả tiếng phổ thông và tiếng địa phương. Ngoài ra, cũng có nhiều đầu báo được cấp phát miễn phí đến tận xã, thôn như Tin ảnh dân tộc miền núi (bằng chữ dân tộc), báo Biên phòng… Vì thế, cần tận dụng những kênh thông tin này để tuyên truyền, đưa đi những thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, giúp bà con hiểu được pháp luật và việc cần phải bảo vệ tài nguyên để bảo vệ quyền lợi của chính cộng đồng họ. Đó là chưa kể việc con em các đồng bào dân tộc khi được học hành và tiếp cận báo chí có thể về kể trực tiếp cho bố mẹ họ nghe. Nếu người ta hiểu, đương nhiên người ta sẽ thay đổi thái độ, hành vi.
Đặc biệt, nếu gắn tuyên truyền với việc giới thiệu các chương trình, mô hình tạo lập sinh kế cho người dân nghèo thì hoạt động truyền thông cũng sẽ dễ thuyết phục hơn.
– Vâng, chân thành cảm ơn ông!