Rừng Tây Nguyên tiếp tục bị tàn phá

ThienNhien.Net – Từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra gần 4.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, với diện tích thiệt hại lên tới hàng nghìn ha. Các vụ phá rừng diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục “nóng” lên nếu không có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả…

Liên tiếp vi phạm

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá. Ảnh: Hoàng Chiên
Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá (Ảnh: Hoàng Chiên/ThienNhien.Net)

Tại tỉnh Kon Tum, sáu tháng đầu năm nay phát hiện hơn 250 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Luật BVR). Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 164 vụ với số tiền phạt 554 triệu đồng; tịch thu gần 600 m3 gỗ các loại; khởi tố ba vụ án. Còn tại Gia Lai, bốn tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm về rừng trên địa bàn tỉnh là 226 vụ. Trong đó có bốn vụ phá rừng trái phép 21,510 ha; 14 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác; hai vụ cháy rừng và 198 vụ mua bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản…

Những vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có thể kể ra như: tháng 10/2012, hàng loạt vụ khai thác gỗ với khối lượng lớn thuộc địa phận quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa, huyện Kông Chro; các cánh rừng phòng hộ Ayun Hạ, Ðức Cơ, Ðác Pơ với hàng loạt cây gỗ bằng lăng, cà chít, căm xe… bị đốn hạ còn trơ gốc; hay vụ việc hàng nghìn cây thông hơn 30 năm tuổi thuộc tiểu khu 499 và 150 ha rừng cây sao xanh tại làng Ðê Rơn (xã Ðak Djrăng, huyện Mang Yang) bị phá để lấy đất trồng tiêu (tháng 5-2013).

Và gần đây nhất là vào tháng 6/2013, việc phát hiện một đường dây gỗ lậu lớn tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 3A thuộc bến làng Tung, xã Ia Khai, huyện Ia Grai. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Gia Lai, đầu năm 2006, tổng diện tích rừng của tỉnh là 761.847,10 ha, thì đến cuối năm 2011 chỉ còn 719.478 ha, giảm hơn 62.000 ha.

Cùng với đó chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên cũng ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng. Rừng có chất lượng cao, trữ lượng gỗ lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở các khu rừng đặc dụng.

Tỉnh Ðắc Lắc là một trong số các địa phương có số vụ việc vi phạm về rừng nhiều nhất trong cả nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến 2011, trung bình mỗi năm, tỉnh này có hơn 3.000 ha rừng biến mất. Năm 2012, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 2.060 vụ vi phạm Luật BVR, trong đó khởi tố hình sự 27 vụ, tịch thu hơn 4.000 m3 gỗ các loại, 682 phương tiện.

Huyện Ea Súp là địa bàn “nóng” nhất về phá rừng trong 15 huyện, thành phố thuộc tỉnh. Với gần 5.000 hộ dân di cư tự do chưa có hộ khẩu, thường xuyên xảy ra nạn khai thác trụ tiêu, lấn chiếm đất rừng, sang nhượng trái phép. Có những vạt rừng bị họ dùng cưa xăng, máy xúc mỗi đêm ủi lấn vài ha. Bị phá nhiều nhất là rừng giao cho các nhóm hộ, cho xã, cho các công ty lâm nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2012, huyện đã xử lý hơn 300 vụ phá rừng. Thủ đoạn của các đối tượng phá rừng rất tinh vi và liều lĩnh, hoạt động có tổ chức và đông người, phá rừng vào ban đêm, trời mưa, dùng cơ giới, cưa xăng, máy xúc rất nhanh, cho nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Còn tại tỉnh Ðác Nông, trong sáu tháng đầu năm nay, hơn 645 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép, trong đó địa phương có diện tích rừng bị lấn chiếm nhiều nhất là huyện Tuy Ðức với hơn 222 ha, huyện Ðác Glong hơn 137 ha, huyện Ðác Song hơn 133 ha.

Giải pháp cơ bản

Cứ sau mỗi lần rừng bị tàn sát, các cơ quan chức năng lại vào cuộc kiểm tra, tịch thu tang vật. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp cơ bản, do không giải quyết được tận gốc vấn đề. Rừng bị xâm hại được xác định do hai nguyên nhân chủ yếu: nhu cầu lấy đất làm nơi ở, sản xuất của các tổ chức, cá nhân và khai thác gỗ rừng phục vụ dân sinh, thương mại.

Theo Tổng Cục lâm nghiệp, tình hình vi phạm Luật BVR tại các tỉnh Tây Nguyên trong sáu tháng đầu năm nay tăng so cùng kỳ năm 2012 (tăng 224 vụ, tương đương 6,4%). Số vụ vi phạm tăng, nhưng về quy mô, tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra ít nghiêm trọng hơn so thời gian trước đây.

Thời gian qua, tỉnh Ðác Nông để xảy ra hàng trăm vụ việc liên quan đến rừng, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép nhiều là do các địa phương, đơn vị, cá nhân và các chủ rừng để mất rừng, nhưng việc xử lý chưa nghiêm theo đúng sự chỉ đạo của tỉnh.

Hầu hết các huyện, đơn vị, chủ rừng để mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn trong thời gian qua như các huyện Tuy Ðức, Ðác Glong, Ðác Song, Krông Nô; các công ty lâm nghiệp như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Thuận Tân, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ðác N’Tao, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Nung, và kể cả lực lượng kiểm lâm cũng chỉ bị phê bình, nhắc nhở rút kinh nghiệm là chính hoặc xử lý nặng nhất cũng ở mức khiển trách. Thậm chí, có vụ việc người được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại chính là người thuê nhân công để phá rừng như trường hợp Ðặng Ngọc Tưởng, sinh năm 1980 là Trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Ðác N’Tao, huyện Ðác Glong.

Qua điều tra, từ cuối năm 2012, với vai trò là Trưởng trạm quản lý, bảo vệ rừng Ðặng Ngọc Tưởng đã nhiều lần thuê các đối tượng dùng cưa xăng, dao phát chặt phá rừng trái phép tại tiểu khu nêu trên. Mới đây, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã xử lý kỷ luật 31 cán bộ, công chức, trong đó có chín người giữ các chức vụ hạt trưởng, hạt phó hạt kiểm lâm các huyện và 22 kiểm lâm viên khác liên quan đến việc để mất rừng và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có một cán bộ kiểm lâm bị xử lý kỷ luật ở mức khiển trách, còn lại đều ở mức rút kinh nghiệm. Chính cách “giơ cao, đánh khẽ” này đã góp phần làm nhờn phép nước, từ đó công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Ðác Nông vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Những vụ việc vi phạm pháp luật về rừng tại tỉnh Ðác Lắc thời gian qua cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mất rừng tại nhiều địa phương nếu các lực lượng chức năng không có biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðác Lắc Trang Quang Thành, thời gian qua, Sở có hai phó giám đốc xin từ chức vì liên quan đến quản lý bảo vệ rừng trong năm 2013. Còn tại tỉnh Gia Lai, nói về nguyên nhân khiến rừng ngày một cạn kiệt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Vũ Ngọc An cho rằng: “Diện tích rừng giảm là do nhu cầu đất ở, đất sản xuất của nhân dân, đất xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi và chuyển đổi rừng sang các mục đích sử dụng khác theo quy định của Nhà nước (7.192 ha); chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao-su là 28.831,6 ha.

Ngoài ra, cháy rừng, phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép kéo dài từ năm 2000 đến 2012 đã làm giảm hơn 16.429,7 ha diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh”.

Rừng ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, độ che phủ khoảng 36%. Muốn cứu rừng, phải cứu từ “gốc”, tức là xác định rõ nguyên nhân để giải quyết có trọng tâm, đồng thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.

Một số trong các giải pháp được đưa ra lúc này là cần đẩy nhanh tiến độ công tác sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh; hoàn thiện bộ máy quản lý, đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ rừng, xử lý nghiêm cán bộ kiểm lâm có tình trạng tiêu cực; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại mỗi địa phương cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể, có tính khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, môi trường trên địa bàn; cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc tiếp tục đổi mới cơ chế khoán quản lý, bảo vệ rừng để tạo mục tiêu, động lực bảo vệ rừng bền vững; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhân rộng những gương điển hình tốt, kịp thời phê phán các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ; sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, có các biện pháp chế tài xử lý nghiêm minh với các hành vi vi phạm.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc về bảo vệ tài nguyên môi trường, đất đai, việc làm, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát, tạo quỹ đất, đẩy nhanh việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện nghiêm việc giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện, tập trung giải quyết nhanh những tồn đọng về xã hội và môi trường trong các vùng dự án. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý bảo vệ, tái tạo rừng, thúc đẩy nhanh việc xây dựng các cơ chế, chính sách về rừng và lâm nghiệp.

Cùng với chính sách quản lý rừng hiệu quả, ngành nông nghiệp cũng tăng cường các chính sách thiết thực, một mặt nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng, mặt khác tập huấn giúp người dân có kiến thức và vốn trong việc trồng, chăm sóc, phát triển rừng…

Trong sáu tháng đầu năm 2013, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng có liên quan đã kiểm tra phát hiện 3.715 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng tại khu vực Tây Nguyên, trong đó hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật có số vụ vi phạm nhiều nhất với 2.015 vụ (chiếm 54,2%), 304 vụ khai thác lâm sản (chiếm 8,2%), 876 vụ phá rừng trái pháp luật (chiếm 23,6%), 29 vụ vi phạm các quy định về PCCCR (chiếm 0,8%), 425 vụ vi phạm khác (chiếm 11,4%). Tổng số vụ đã xử lý là 3.414 vụ; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 3.298 vụ, xử lý hình sự 116 vụ.