ThienNhien.Net – Thời gian qua, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã đi đầu trong việc đề ra những kế hoạch làm xanh, sạch, đẹp Thành phố, hướng tới tăng tưởng xanh và phát triển bền vững.
Đây là những hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt từ năm 2012 với mục tiêu 60% đô thị loại III, 40% đô thị loại IV, loại V và các làng nghề có hệ thống thu gom và nhằm mục tiêu xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định vào năm 2020…
Hà Nội xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh
Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu… Trong đó, 100% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường…
TP. Hồ Chí Minh “làm xanh” Thành phố
Tại TP. Hồ Chí Minh, tăng cường mảng xanh được xem là giải pháp tối ưu, bền vững nhằm mang lại môi trường sống trong lành. UBND Thành phố đã triển khai kế hoạch trồng thêm một triệu cây xanh tại các quận, huyện. Tại các khu vực có sông, kênh, rạch sẽ tổ chức trồng hơn 250.000 cây xanh với tổng diện tích khoảng 42 ha nhằm chống sạt lở; trồng mới gần 20 ha rừng phòng hộ Cần Giờ, gần 83 ha rừng ở huyện Bình Chánh.
Trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015, Thành phố sẽ tận dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp để phát triển thêm 250 ha diện tích công viên, cây xanh ở các quận nội thành, cải tạo các khu công viên, cây xanh để nâng cao chất lượng mảng xanh trên địa bàn Thành phố.
350 triệu đồng cho sáng kiến vì Hải Phòng xanh
Hải Phòng là một trong 4 thành phố được Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ cho Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2004-2012 với mục tiêu giảm nghèo tại các khu vực đô thị bằng cách cải thiện các điều kiện sống và điều kiện môi trường. Thành phố đã kêu gọi các cá nhân, tập thể cùng xây dựng, đóng góp “Những sáng kiến vì TP. Hải Phòng xanh-sạch-đẹp”. Có 4 chủ đề được đề xuất gồm: Nâng cao nhận thức và thu hút người dân tham gia thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt; nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc đấu nối hệ thống thoát nước thải từ nhà vào hệ thống cống của dự án vệ sinh môi trường Thành phố; tăng cường nhận thức và tạo điều kiện tại các trường học tham gia bảo vệ môi trường; phát động phong trào trồng cây giảm tác động của biến đổi khí hậu.
7 tỷ đồng xây dựng “Thành phố môi trường” Đà Nẵng
Tháng 5 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường năm 2013”. Với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng, kế hoạch tập trung vào quản lý nước thải và chất lượng môi trường nước; quản lý chất thải rắn và chất lượng môi trường không khí.
Đối với việc quản lý nước thải và chất lượng môi trường nước, trong năm 2013, Thành phố phấn đấu xây dựng một trạm quan trắc môi trường nước tự động khu vực sông Cầu Đỏ; nâng cấp cải tạo Nhà máy nước Cầu Đỏ. Với mục tiêu tăng tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn lên 70%, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn Thành phố đạt 95%, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Thu gom rác theo giờ” giai đoạn 2 ở 32 phường thuộc các quận nội thành.
Cần Thơ phát triển đô thị xanh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu
Thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án góp phần hạn chế tác hại và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Dự án tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của TP. Cần Thơ; Dự án ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng; dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP. Cần Thơ ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra… Ngoài ra, để tạo không gian xanh, TP. Cần Thơ đã phối hợp Bộ Xây dựng triển khai Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh TP. Cần Thơ đến năm 2030 nhằm hình hành hệ thống cây xanh đặc trưng, góp phần tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho các công trình kiến trúc công cộng, đường giao thông… trên địa bàn Thành phố.