ThienNhien.Net – Hàng chục đối tượng quá khích đã hô hào đột nhập vào lán đập phá tài sản, đánh đập các cán bộ tổ trông giữ rừng.
Khi chúng tôi chuẩn bị thu dây đo cây nghiến khổng lồ, rời dãy Răng Cưa thuộc bản Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang) thì bỗng nghe tiếng huỳnh huỵch từ phía đỉnh núi vang lên. Những tiếng động ấy cứ lớn dần, rồi gần hơn. Lát sau, một đoàn trâu mộng ật ưỡng kéo gỗ đi ra từ rừng già.
Trong vai khách du lịch, tôi hỏi một cậu thanh niên: “Gỗ gì đấy?”. Cậu ta trả lời cụt lủn: “Nghiến”. “Lấy về bán à?” – tôi hỏi tiếp. Anh chàng bảo: “Lấy về làm nhà thôi!”.
Tôi chỉ tay về phía cây nghiến khổng lồ hỏi ướm thử: “Sao không lấy cây kia về làm nhà cho thoải mái?”. Cậu thanh niên cười bảo: “Mình nhìn cây đó thèm lắm, nhưng nó to quá, không cưa đổ được đâu. Mình chỉ cưa được những cây có đường kính dưới 2m thôi. Cây to như thế thì chịu. Cây đó mà xẻ ra, có mà làm được chục ngôi nhà”.
Dường như chẳng sợ gì sự có mặt của nhóm người lạ chúng tôi, mấy người gồm cả nam lẫn nữ tiếp tục kéo gỗ tập kết ra đường mòn, rồi kéo đi đâu không rõ. Họ đi khuất, tôi hỏi Pâng, thì Pâng bảo: “Bọn họ toàn người bản mình ấy mà. Chẳng phải làm nhà đâu. Họ phá rừng kéo nghiến sang Trung Quốc bán đấy. Trước mình cũng đi kéo gỗ bán suốt, nhưng giờ không làm nữa rồi”.
Rời khỏi cánh rừng có “cụ nghiến” khổng lồ, tôi cứ lăn tăn tự hỏi, không biết khi nào thì “cụ nghiến” khổng lồ này bị xẻ thịt? Mấy ngàn năm mới có một cây nghiến lớn như thế, cả triệu năm mới có một rừng nghiến như Phong Quang, thế mà đại ngàn nghiến đang dần biến mất trước đám lâm tặc nhẩn nha tha nghiến như đàn kiến tha mồi.
Chỉ vài năm trước, đại ngàn nghiến trùm kín dãy Răng Cưa, kéo dài từ địa bàn thành phố Hà Giang sang tận bên kia biên giới, thế nhưng, rừng nghiến bây giờ đã thu gọn lên tận đỉnh núi. Nghiến chỉ còn tập trung nhiều ở bản Hoàng Lỳ Pả, nơi có những cây nghiến khổng lồ, mà cưa xăng của Trung Quốc chưa thể đốn hạ được.
Ngoài ra, những bãi mìn chưa được rà phá cũng tạm thời cản được bước chân của lâm tặc.
Bản Mã Hoàng Phìn nằm trên dông núi Răng Cưa, nơi biên giới với Trung Quốc vốn là một vựa nghiến khổng lồ, nhưng giờ đã sạch bóng nghiến.
ỏi về nghiến, anh Vàng Seo Quả, trưởng bản Mã Hoàng Phìn cho biết: “Chục năm trước khắp bản Mã Hoàng Phìn là nghiến cổ thụ. Nghiến bao vây khắp nơi, mọc ngay giữa nương lúa, nương ngô, nhưng giờ thì chẳng còn nữa. Cái hội trường của bản mới làm cũng bằng gỗ tạp, chứ có nghiến nữa đâu.
Cách đây 7-8 năm, người Trung Quốc đánh xe tải đến sát biên giới mua thớt nghiến, nên cả bản mình vào rừng đốn hạ nghiến. Bao nhiêu năm nay, chẳng ai cấy cày, trồng trọt gì cả, đàn ông thì vác cưa vào rừng hạ nghiến, xẻ gỗ, đàn bà thì dắt trâu kéo nghiến ra biên giới bán.
Từ bản mình sang Trung Quốc có 15 phút đi bộ thôi, nên vận chuyển gỗ tiện lắm. Người Trung Quốc cung cấp cưa xăng cho bà con, rồi trừ vào tiền bán gỗ, nên rừng càng bị đốn hạ nhanh hơn. Sau 7-8 năm phá rừng, thì nghiến ở Mã Hoàng Phìn hết rồi”.
Theo anh Quả, một chiếc thớt nghiến có đường kính 40cm, cao 20cm, được người Trung Quốc thu mua với giá 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Một người, một ngày có thể mang được 2-3 cái thớt. Với số tiền lớn như vậy, nên thật dễ hiểu là bà còn bỏ hết ruộng nương đi vác nghiến.
Vòng sang phía Bắc của dãy Răng Cưa, chúng tôi vào tổ công tác liên ngành chốt chặn trên con đường mòn mới mở từ hướng TP. Hà Giang lên dãy Răng Cưa vào Mã Hoàng Phìn. Tại đây, lúc nào cũng có vài đồng chí chốt chặn. Một số đồng chí liên tục vào rừng truy bắt các đối tượng vào rừng đốn nghiến.
Tổ công tác liên ngành là 2 căn lều căng bạt nằm chênh vênh trên sườn núi. Đồng chí kiểm lâm dẫn tôi vào trong lều, chỉ những chồng thớt nghiến xếp quanh lều, kín gầm giường.
Tháng 3/2012, huyện Vị Xuyên đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng kiểm lâm, công an, biên phòng, dân quân xã chốt chặn ở các điểm nóng 24/24 giờ trong rừng đặc dụng Phong Quang để cắt đứt con đường vận chuyển thớt nghiến của lâm tặc sang bên kia biên giới.
Việc quản lý gắt gao, chốt chặn đường vận chuyển khiến bọn lâm tặc tức giận. Đêm 21/4/2012, hàng chục đối tượng quá khích đã hô hào đột nhập vào lán đập phá tài sản, đánh đập các cán bộ tổ liên ngành Hoàng Lỳ Pả. Bọn chúng dùng đá ném như mưa vào lều lán của tổ công tác.
Do bọn lâm tặc quá đông, lại vô cùng hung hãn, nên anh em tổ liên ngành không thể chống lại được. Sau vụ tấn công, anh em của tổ công tác đều bị thương. Nặng nhất là đồng chí La Vĩnh Giang, bị 3 vết chém vào đầu, phải nằm viện nhiều tháng, không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc của một cán bộ biên phòng địa bàn.
Mới đây nhất, ngày 7/7/2013, tổ công tác bảo vệ rừng Lùng Thiềng (Minh Tân, Vị Xuyên) gồm các anh Lù Sào Thiếp, Lý Văn Minh và Tẩn Thanh Xuân, tiến hành tuần tra rừng theo lịch công tác. Khi đến khu vực thôn Lũng Chuối, phát hiện 4 đối tượng dùng cưa xăng khai thác gỗ nghiến trái phép. Tổ công tác đã mật phục, theo dõi, chốt chặn, tạm giữ cưa xăng, nhưng các đối tượng dùng gậy chống trả và bỏ chạy.
Khoảng nửa giờ sau, 6 đối tượng bịt mặt, dùng gậy gỗ tấn công tổ công tác khiến anh Lý Văn Minh và Lù Sào Thiếp bị trọng thương.
Ngay khi nhận được thông tin, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang đã phối hợp với chính quyền xã Minh Tân, tổ chức lực lượng giải cứu, đưa 2 thành viên tổ tự quản đi cấp cứu.
Trữ lượng gỗ nghiến ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang đang bị hao hụt nghiêm trọng. Những cây nghiến cổ thụ vô cùng quý hiếm. Xác định đây là tài sản vô giá, nên tỉnh Hà Giang vào cuộc bảo vệ, tuy đã rất muộn.
Hôm chúng tôi vào rừng nghiến Phong Quang, thì gặp ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang cùng một số lãnh đạo đi xe máy, vượt rừng vào Mã Hoàng Phìn để chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, tính toán thành lập trạm biên phòng ở Mã Hoàng Phìn để chặn đường tuồn gỗ ra biên giới.
Mong rằng, với sự vào cuộc của chính quyền, đại ngàn nghiến Phong Quang với những siêu đại thụ như trong cổ tích, sẽ giữ được cho thế hệ mai sau.