ThienNhien.Net – Ðể bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân, thành phố HCM đã cho di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoại thành. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.
Doanh nghiệp “nhờn thuốc”
Tại phường Ðông Hưng Thuận, quận 12, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Có 29 công ty, cơ sở hoạt động sản xuất ngành, nghề phát sinh nước thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài. Nhiều năm qua, quận đã phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố kiểm tra đột xuất và xử phạt nhiều lần, tuy nhiên các cơ sở vẫn cố tình vi phạm. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 20 trường hợp vi phạm, điển hình như các cơ sở: Lâm Xuân Thủy, Công ty Xuân Trường Xuân, Chi nhánh Công ty Trang Kiểm… Ðó là chưa kể 22 cơ sở, công ty được phát hiện từ năm 2012.
Theo ông Thắng, hiện chưa có cơ chế xử phạt nặng hoặc tăng nặng đối với các cơ sở vi phạm nhiều lần cho nên rất nhiều doanh nghiệp vẫn tái phạm. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến việc người dân gửi đơn khiếu kiện nhiều lần nhưng quận cũng rất khó giải quyết dứt điểm.
Tương tự, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5 cũng cho biết: Ðối tượng thường xuyên vi phạm môi trường là những cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư. Các cơ sở này chủ yếu là của các hộ gia đình cho nên không đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Việc xử lý cũng rất khó vì ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, việc thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khối lượng nước thải khoảng từ 10 m3/ngày đêm trở lên là vô cùng khó, trong khi đây chính là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Huyện Bình Chánh có đến 600 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Con số này là kết quả của chính sách di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành của UBND thành phố thực hiện từ năm 2002. Tuy nhiên, do tính tự phát, đối phó nên hiện Bình Chánh là một trong những địa phương có số lượng cơ sở gây ô nhiễm lớn nhất thành phố. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra trên địa bàn nhiều quận, huyện khác như: quận 9, Thủ Ðức, Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú…
Theo các địa phương, việc để các cơ sở này tiếp tục hoạt động sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng thêm trầm trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ngay như việc di dời hai cơ sở lớn là Nhà máy đóng tàu Ba Son và Nhà máy xi-măng Hà Tiên, hiện vẫn bế tắc do chưa tìm được địa điểm phù hợp. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành là đúng, nhưng việc thực hiện vẫn còn quá nhiều vướng mắc và bất cập.
Cần lộ trình hợp lý
Từ nhiều năm nay, quận 12 vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn. Trong đợt kiến nghị mới đây, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, cần sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn quận. Trước mắt, quận tiếp tục kiểm tra, cưỡng chế bằng các biện pháp, như tạm thời đình chỉ hoạt động khâu phát sinh ô nhiễm; tăng cường kiểm tra đột xuất; tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường; lập quy hoạch ngành nghề sản xuất, kinh doanh trình UBND thành phố phê duyệt để có cơ sở cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tránh phát sinh những điểm ô nhiễm mới trong khu dân cư…; kiến nghị UBND thành phố sớm di dời các cơ sở trên vào khu công nghiệp tập trung; điều chỉnh danh sách ngành nghề sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường không được cấp phép trong khu dân cư…
Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm vào các KCN tập trung cũng khó thực hiện do các KCN-KCX đều rất “kén” việc tiếp nhận các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực dễ gây tác động đến môi trường như dệt, nhuộm…
Ngoài ra, do hoạt động nhỏ lẻ, manh mún nên nhiều cơ sở cũng không thể đủ vốn để di dời vào các KCN-KCX như đề xuất của các quận, huyện.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, để thực hiện việc di dời này, trước hết cần đáp ứng nhu cầu về hạ tầng tiếp nhận, tránh tình trạng di dời tự phát nhằm đối phó như huyện Bình Chánh hiện đang phải gánh chịu.
Thành phố cũng cần có chính sách ưu đãi, chính sách quản lý cho chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp giống như khu công nghiệp để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia; đồng thời có lộ trình hợp lý và thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện.
Tại cuộc họp về di dời các cơ sở ra ngoại thành mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà cho rằng, những khó khăn của các doanh nghiệp sẽ được ghi nhận, tuy nhiên tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường cũng phải được xử lý theo quy định.