ThienNhien.Net – Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú chưa giữ đúng những cam kết về bảo vệ môi trường khi xây dựng KCN, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Nghiêm trọng
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Ninh Bình, tình trạng ô nhiễm môi trường đối với một số dự án tại KCN Khánh Phú đang ở mức báo động. Cụ thể, Nhà máy Đạm Ninh Bình gây ô nhiễm môi trường cho khu vực làm cá chết tại kênh điều hoà KCN Khánh Phú. Cá và một số vật nuôi của các hộ dân ở cạnh ngòi Chanh và kênh điều hòa cũng chết. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước tại kênh điều hoà và ngòi Chanh xét nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng amôni(NH4) cao hơn nhiều lần so với quy định.
Nghiêm trọng hơn, vào các ngày 15 và 16-6, khí thải của Nhà máy Đạm đã gây ngộ độc cho công nhân nhà máy may Nien Shing nằm cạnh đó. Trong quá trình xây dựng nhà máy Đạm, cán bộ kỹ thuật không kiểm tra dẫn đến tình trạng cốt nền của Nhà máy thấp hơn bề mặt của đất trong khu vực từ 50-70cm, dễ ngập úng khi trời mưa, điều này cũng gây áp lực cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát nước thải của doanh nghiệp.
Nhà máy kính nổi Tràng An đi vào sản xuất từ tháng 11-2010, thường xuyên thải khói bụi, khí thải vượt tiêu chuẩn quy định, không thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường khi nâng công suất từ 200 lên 300 tấn/ngày. Trong quá trình gỡ bỏ đường ống dẫn dầu (ngày8-7-2013), nhà máy đã làm tràn dầu thải ra môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống gom nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Thành Nam. Mặc dù năm 2012, nhà máy đã bị UBND tỉnh Ninh Bình xử phạt 50 triệu nhưng vẫn chậm khắc phục những vấn đề tồn tại về ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, Nhà máy sản xuất thép cán, thép đúc của doanh nghiệp Phúc Hưng và Công ty TNHH Huy Hùng sản xuất vào ban đêm để tiết kiệm điện nhưng lại xả khói bụi, mùi khét ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân.
Nhà quản lý “thổi còi”!
Trước tình hình môi trường nghiêm trọng tại KCN Khánh Phú, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường, hoàn chỉnh các hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN nói chung và KCN Khánh Phú nói riêng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước tại KCN, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thường xuyên giám sát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đến ngày 30-9-2013, Ban Quản lý KCN phối hợp với các Ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án xử lý (kể cả đình chỉ hoạt động) đối với những doanh nghiệp, nhà máy không hoàn thiện thủ tục pháp lý và không bảo đảm các quy định về môi trường như cam kết trong dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tăng cường quan trắc, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố về ô nhiễm môi trường tại KCN có giải pháp tối ưu. Thường xuyên giám sát hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường và hệ thống thu gom nước thải tại KCN. Yêu cầu các chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo phê duyệt.
Công an tỉnh Ninh Bình, Sở Tài Chính, UBND huyện Yên Khánh cần chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, nhất là cảnh sát môi trường, kiểm tra, nắm chắc tình hình ô nhiễm ở KCN, xử lý kịp thời đơn vị vi phạm.
Sở Tài chính cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Ban Quản lý KCN đầu tư thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường tại KCN. UBND huyện Yên Khánh tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn, chủ động đề xuất phương án xử lý, khắc phục nếu có sự cố về ô nhiễm trên địa bàn.