ThienNhien.Net – Ngày 02/8, tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bảy tháng đầu năm 2013 do UBND tỉnh Đác Nông tổ chức, số liệu kiểm tra 10/41 dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được công bố khiến cho những ai quan tâm đến công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều không khỏi giật mình. Đó là hàng nghìn ha rừng thuộc các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn bị tàn phá nặng nề và lấn chiếm trái phép.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Trong bảy tháng đầu năm nay, sở đã chỉ đạo Chi cục kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), kiểm soát lâm sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức cắm chốt 24/24 tại các khu vực được xác định là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác QLBVR đối với các đơn vị chủ rừng… Tuy nhiên, tình trạng phá rừng và số vụ vi phạm lâm luật vẫn tăng mạnh, đặc biệt còn nhiều điểm “nóng” phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản và xử lý 667 vụ vi phạm lâm luật, tăng 138 vụ so với cùng kỳ năm 2012; 10 vụ khai thác rừng trái phép; 215 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; bảy vụ vi phạm chế biến lâm sản; bốn vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, 58 vụ vi phạm khác…
Các lực lượng chức năng đã xử lý 713 vụ (bao gồm 103 vụ chuyển từ năm 2012 sang), trong đó xử lý hành chính 654 vụ; xử lý hình sự 17 vụ; chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra hình sự 47 vụ, tịch thu lâm sản 1.197 m3 gỗ các loại, 103 máy móc và phương tiện các loại, thu tiền sau xử lý hơn 5,7 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Đoàn thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đoàn 12) của các huyện, thị xã đã tích cực tiến hành kiểm tra, truy quét các điểm “nóng” về phá rừng, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép trên địa bàn.
Cụ thể, Đoàn 12 huyện Đác Song đã lập biên bản, giải tỏa và tháo dỡ 10 lều quán xây dựng mới với diện tích 167m2; phá bỏ 34 ha hoa màu, cây công nghiệp do người dân trồng trên diện tích rừng bị phá trái phép…
Đoàn 12 huyện Đác Glong tiến hành cưỡng chế, giải tỏa hơn 246 ha đất xâm canh trái phép tại Tiểu khu 1648, 1658, 1659, xã Quảng Sơn; tổ chức cưỡng chế, giải tỏa tại Tiểu khu 1791 xã Quảng Khê với diện tích hơn 10 ha, phá bỏ hai nhà ở với diện tích 42m2…
Đoàn 12 huyện Tuy Đức tổ chức ngăn chặn vụ phá rừng tập thể với hơn 30 người đồng bào dân tộc H’Mông ở bản Tân Lập, xã Đác Ngo khi đang phá hơn 2,3 ha rừng già tại khoảnh 4, Tiểu khu 1511 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý; tổ chức truy quét, phát hiện bắt giữ hai vụ cất giấu lâm sản trái phép, hai vụ vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ 35,988 m3 gỗ tròn và gỗ xẻ từ nhóm III đến nhóm VI và hai xe máy độ chế…
Mặc dù vậy, tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng và xảy ra nhiều điểm “nóng” chưa được các ngành chức năng ngăn chặn hiệu qủa.
Cụ thể, trong 667 vụ vi phạm lâm luật trong bảy tháng đầu năm nay được phát hiện, trong đó có tới 366 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại gần 160 ha rừng tự nhiên. Các địa phương để mất rừng nhiều nhất lẫn là huyện Đác Song 76,67 ha; huyện Tuy Đức 24,84 ha; thị xã Gia Nghĩa 20,81 ha; huyện Krông Nô 22,82 ha; huyện Đác Glong 9,19 ha; huyện Đác Mil 3,50 ha… Đây là những địa phương liên tục trong nhiều năm qua để xảy ra những điểm “nóng” phá rừng và để mất rừng với diện tích lớn, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu qủa.
Tại hội nghị lần này, lần đầu tiên Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông công bố số liệu kiểm tra tuy chưa đầy đủ, nhưng cũng làm cho những ai quan tâm đến công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh không khỏi giật mình. Đó là số liệu về diện tích rừng và đất lâm nghiệp được UBND tỉnh cho các doanh nghiệp thuê thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn bị mất và lấn chiếm trái phép lên tới hàng nghìn héc ta.
Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đác Nông đã cho các doanh nghiệp thuê thực hiện được 41 dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp với tổng diện tích là 40.123,2 ha. Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh chỉ mới tiến hành kiểm tra được 10 dự án đã phát hiện có tới 1.903 ha rừng tự nhiên bị phá trắng và 2.839 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, trong đó có những dự án diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ bị mất tới 97%…
Điển hình là Công ty TNHH đầu tư Long Sơn, được UBND tỉnh Đác Nông cho thuê 1.079 ha đất thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã Đác Ngo, huyện Tuy Đức, trong đó có 571,3 ha đất trồng rừng, cao su và 507,7 ha rừng tự nhiên khoanh nuôi quản lý, bảo vệ. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, doanh nghiệp này chưa trồng được một héc ta rừng hay cao su nào, trong khi đó để mất tới 492,7 ha rừng, chiếm 97% và có tới 1.063,5 ha đất lâm nghiệp bị người dân lấm chiếm trái phép, chiếm 98% diện tích của dự án, nhưng doanh nghiệp này không báo cáo các ngành chức năng của tỉnh cũng như không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Tương tự, Công ty TNHH Bảo Châu được tỉnh cho thuê 197,7 ha đất lâm nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, trong đó diện tích trồng rừng, cao su là 99 ha và rừng tự nhiên khoanh nuôi quản lý, bảo vệ là 96,9 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện có tới 94 ha rừng khoanh nuôi, quản lý đã bị phá trắng, chiếm tới 97% và 94 ha đất bị người dân lấn chiếm, chiếm 47,5% diện tích của dự án…
Hay như Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc được UBND tỉnh Đác Nông cho thuê 318,7 ha đất lâm nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó có 82,9 ha trồng rừng, cao su và 234,3 ha rừng khoanh nuôi quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, qua kiểm tra của Sở NN&PTNT cho thấy, đến nay doanh nghiệp này chưa trồng được một cây rừng hay cao su nào, trong khi đó diện tích rừng tự nhiên bị phá lên tới 225,3 ha, chiếm 96% và diện tích đất bị lấn chiếm lên tới 308,2 ha, chiếm 97% diện tích đất của dự án.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp thuê rừng tự nhiên quản lý, bảo vệ để bị phá với diện tích lớn là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới với diện tích 738,4 ha, chiếm 79,9% và diện tích đất bị lấn chiếm là 1.124 ha, chiếm 67% diện tích dự án. Công ty TNHH Hoàng Thiên để rừng bị phá với diện tích 161,9 ha, chiếm 80,8% và diện tích đất bị lấn chiếm là 250,5 ha, chiếm 84,2% diện tích của dự án. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 59 để rừng bị phá với diện tích 150 ha, chiếm 74,8% và diện tích đất bị lấn chiếm là 370 ha, chiếm 87,7% diện tích của dự án…
Hiện nay Sở NN&PTNT tỉnh đang tiếp tục tiến hành kiểm tra 31 dự án còn lại và trên kết qủa kiểm tra này sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai hay dừng việc cho thuê rừng, đất lâm nghiệp thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên thừa nhận: Hiện nay tình hình phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nóng bỏng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và manh động. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng bị xâm canh, lấn chiếm trước đây vẫn chưa được thống kê, xử lý triệt để…
Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Trần Đình Mạnh bức xúc: Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng do tình trạng dân di cự tự do không điểm soát được; các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào phá rừng, xâm chiếm đất của các công ty lâm nghiệp để lấy đất sản xuất có tổ chức, phá rừng tập thể, có trang bị vũ khí tự chế, phá rừng vào ban đêm, cắt cử người canh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo bằng điện thoại di động cho các đối tượng kịp thời tẩu tán tang vật… khiến các lực lượng chức năng cũng như các đơn vị chủ rừng rất khó phát hiện, ngăn chặn và xử lý được.
Chủ tịch UBND xã Đác Ngo, huyện Tuy Đức Lê Văn Minh phản ảnh: Trên địa bàn xã hiện có 12 doanh nghiệp thuê đất thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều thực hiện dự án không hiệu quả do không đủ năng lực tài chính, thiếu lực lượng lao động và không am hiểu công tác quản lý, bảo vệ rừng… Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xảy ra phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích lớn. Không chỉ có mất rừng mà tình trạng lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai giữa các doanh nghiệp và người dân địa phương diễn ra thường xuyên, phức tạp và hết sức gay gắt, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, nhưng chính quyền địa phương không thể giải quyết nổi.
Bên cạnh đó, các đầu nậu từ các nơi đến thuê đồng bào dân tộc phá rừng rồi tổ chức mua, bán, sang nhượng trái pháp luật để trục lợi, trong khi đó chính quyền địa phương không quản lý, kiểm soát được… Đây là thực trạng không chỉ riêng ở xã Đác Ngo mà xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh, huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý.
Điều gây bức xúc dư luận là trong nhiều năm qua, mặc dù diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được tỉnh cho các doanh nghiệp thuê thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp bị tàn phá nặng nề và lấn chiếm trái phép lớn như vậy, nhưng chưa một chủ doanh nghiệp nào bị xử lý (trừ một vài trường hợp vi phạm pháp luật như lừa bán đất rừng, dự án), kể cả các ngành chức năng thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự án cũng các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí cả chính quyền địa phương cũng chưa tập thể, cá nhân nào bị xử lý? Nếu tình trạng này còn kéo dài thì những diện tích rừng tự nhiên qúy hiếm còn sót lại ở Đác Nông sẽ tiếp tục bị tàn phá…