ThienNhien.Net – Những năm trước, “cơn sốt” đá đỏ trên địa bàn xã An Phú, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tàn phá nghiêm trọng tài nguyên và môi trường. Tệ nạn cờ bạc, rượu chè, ma túy… len lỏi khắp các bản làng, gieo rắc bao cái chết thương tâm. Giờ đây, trên chính mảnh đất này lại rộ lên “cơn lốc” vàng, tài nguyên và môi trường tiếp tục bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy không thể lường trước…
Cách nơi khai thác vàng trên địa bàn xã An Phú không xa là khu trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Sự, thôn Nà Hà, xã An Phú gồm vườn cây, ao cá và khu vực chăn nuôi gà… được ông gây dựng hàng chục năm nay, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Ông Sự bức xúc: Từ năm 2012, cá trong ao cứ chết dần, đàn gà hàng trăm con đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra chết… Ông khẳng định là do nguồn nước từ con suối Ba Lầu mà bấy lâu nay ông sử dụng để phục vụ chăn nuôi đã bị ô nhiễm nặng bởi tình trạng khai thác vàng trên đầu nguồn chảy xuống ao khu vực nhà ông…
Nhiều người dân cũng thừa nhận, tình trạng khai thác vàng rộ lên từ năm 2012, sau đó tạm lắng một thời gian… Nhưng gần đây, tại xã An Phú lại xuất hiện “cơn lốc” đào vàng, tình trạng khai thác phức tạp và nóng bỏng hơn, gây tàn phá tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và bức xúc trong nhân dân.
Được biết, dân làm vàng từ Thái Nguyên đổ sang, đầu tư máy móc hiện đại, mua đất của người dân địa phương trị giá hàng trăm triệu đồng, thuê thêm lao động địa phương để tiến hành “nạo, vét” vàng tại đây. Trước tình trạng “vàng tặc” gây nhức nhối trong nhân dân, UBND huyện Lục Yên đã tổ chức nhiều đợt truy quyét, tịch thu máy móc. Đặc biệt, huyện đã trực tiếp chỉ đạo truy quét tại hiện trường, nhưng sau đó chính quyền xã lại lúng túng không biết xử lý thế nào, nên tình trạng “vàng tặc” vẫn cứ tái diễn.
Ông Phạm Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Lục Yên cho biết: Hơn 20 năm trước, tình trạng đào đá quý đã diễn ra, còn nạn “vàng tặc” chỉ mới xuất hiện tại xã An Phú. Nhưng cũng không hoàn toàn do những đối tượng mới đến khai thác vàng, mà hầu hết vẫn là dân đào đá trước đây, do vậy chúng rất am hiểu địa bàn, nhanh chóng tẩu thoát khi có lực lượng kiểm tra. Chỉ đến khi mọi việc tạm lắng một thời gian, thì chúng lại hoạt động… Trong khi đó, lực lượng của xã quá mỏng nên gặp phải nhiều khó khăn trong việc quản lý những đối tượng này…
“Đột nhập” vào bãi đào vàng tại An Phú…, chứng kiến một cảnh tượng đổ nát, các hầm, lò nham nhở do người đi khai thác tạo ra… có cảm giác bất cứ chỗ nào là đất thì đều đã được đào bới… Một dân đào vàng cho biết: Khi bãi mới nổi, người đông lắm, muốn đi vệ sinh cũng khó vì nhìn đâu cũng thấy người. Giờ đây, đất đã bị xới nát nên họ đi tìm bãi khác. Những chiếc hầm lò được đào sâu có khi tới gần chục mét rồi ăn ngang sang, nguy hiểm như vậy nhưng để tìm vận may thì vẫn chui xuống và bới thôi. Khi chính quyền xuống kiểm tra và yêu cầu không được sử dụng phương tiện, máy móc để đào bới thì mình dùng cách thủ công như cuốc, xẻng thôi…chứ đất của nhà mình thì mình việc gì phải sợ.
Bên cạnh việc khai thác vàng với quy mô lớn tại Nà Hà, tình trạng khai thác khoáng sản vàng và đá quý với quy mô nhỏ lẻ của các hộ gia đình cũng đang diễn ra khá phổ biến, như một “cơn sốt” dây chuyền. Việc này không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà những hố khai thác vàng và đá quý có độ sâu 5-7m trở thành những cái bẫy chết người. Cuối tháng 5/2013 vừa qua, người dân xã An Phú đã chứng kiến một cái chết thương tâm, nạn nhân là em Đàm Trung Hiếu 12 tuổi, bị chết do đuối nước, nguyên nhân cũng chính từ những cái hố đào vàng này mà ra. Chị Nguyễn Thị Phẩm thôn Nà Dụ, là mẹ em Hiếu xót xa kể lại: Ngày hôm đó, cả nhà đi làm về thì không thấy bé Hiếu đâu, phải đến một hồi lâu sau mới phát hiện bé Hiếu chết đuối ở một cái hố đào vàng đã bị ngập nước do mưa lớn.
Ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch UBND xã Lục Yên (Yên Bái) cho biết: “Cơn sốt đá đỏ trên địa bàn xã An Phú những năm trước đây đã được chính quyền, địa phương dập tắt… Nhưng vừa qua, nghe nhiều ý kiến về việc đào vàng tại xã An Phú, nên đến tháng 5/2013, tôi cùng một đoàn công tác đã “đột nhập” vào bãi vàng. Tại đây có gần 10 cái máy nghiền đất đá đang hoạt động bên những cái hầm và giếng đào vàng sâu hun hút quá nguy hiểm, xã đã quyết định phải giải tỏa ngay.
Sau đợt ra quân đầu tiên và tiếp những tuần sau đó, xã đều chỉ đạo lực lượng tiến hành bám sát địa bàn để xử lý những đối tượng đào vàng. Nhưng khi chúng tôi tiến hành “ra quân” xử lý thì nhiều người dân đối phó bằng cách không đào và đãi vàng tại chỗ mà họ đào đất mang về nhà đãi vàng, do vậy chúng tôi không thể xử lý những trường hợp như vậy được”.
Ông Thịnh cho biết thêm, đến thời điểm này, nạn “vàng tặc” nơi đây đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cho việc quản lý vì những đối tượng tham gia đào vàng có rất nhiều thủ đoạn lẩn trốn, thông thuộc địa hình, khi lực lượng kiểm tra rút quân là chúng lại tiến hành đào bới. Chủ tịch UBND xã Lục Yên khẳng định, trong thời gian tới kiên quyết dẹp bỏ hoàn toàn nạn “vàng tặc”, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, tránh tình trạng nạn đào vàng hoành hành như như nạn “đào đá” những năm đầu của thập kỷ 90 tại huyện Lục Yên trước đây.
Theo ông Bùi Văn Thịnh, hiện tại, huyện Lục Yên vẫn duy trì lực lượng giám sát và giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền xã nhằm giải quyết nhanh chóng và triệt để tình trạng đào đãi vàng gây những ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội và đời sống người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng kêu gọi mỗi người dân nâng cao nhận thức, không tham gia khai thác, không tiếp tay cho “vàng tặc” để bảo vệ chính cuộc sống của mình.