ThienNhien.Net – Theo Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), vụ việc 23 trẻ tử vong vì ăn phải thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu xảy ra tại bang Bihar, Ấn Độ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cần gấp rút loại bỏ thuốc trừ sâu độc hại ra khỏi thị trường các nước đang phát triển.
Rất nhiều câu chuyện thương tâm khác ở các quốc gia này đã khẳng định một thực tế là việc phân phối và sử dụng các sản phẩm độc hại như thuốc trừ sâu hiện không an toàn, mang lại nhiều rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người.
Nếu chúng ta cất giữ, bảo quản an toàn các sản phẩm thuốc trừ sâu, đồng thời bỏ các hộp/thùng đựng thuốc đã dùng hết đúng nơi, đúng chỗ chắc chắn sẽ giảm trừ được nguy cơ nhiễm độc. Tuy nhiên, câu chuyện ở Ấn Độ cho thấy một thực tế ngược lại.
Một số tổ chức quốc tế bao gồm FAO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhất trí quan điểm cho rằng các sản phẩm độc hại này không nên để người những người nông dân thiếu kiến thức về sản phẩm và không có các phương tiện thích hợp để tự bảo vệ mình sử dụng.
Do đó, FAO khuyến nghị chính phủ các nước đang phát triển cần đẩy mạnh việc loại bỏ thuốc trừ sâu độc hại ra khỏi thị trường và tiến hành thay thế chúng bằng các sản phẩm ít độc hại.
Hiện tại, Bộ Quy tắc Ứng xử Quốc tế về Quản lý Thuốc trừ sâu của FAO đã thiết lập các tiêu chuẩn tự nguyện liên quan đến quản lý thuốc trừ sâu áp dụng cho tất cả các khu vực công cũng như tư nhân. Bộ Quy tắc được chấp nhận rộng rãi như một bản tham chiếu về việc quản lý thuốc trừ sâu có trách nhiệm, trong đó quy định có thể cấm nhập khẩu, phân phối, mua bán các loại thuốc trừ sâu độc hại khi đã dùng đến những giải pháp giảm thiểu mà vẫn không hiệu quả.
Riêng với thuốc trừ sâu monocrotophos phát hiện trong thức ăn của 23 em học sinh ở Ấn Độ, nhiều chính phủ cho rằng nên ban hành lệnh cấm nhằm giảm bớt rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người. Hiện loại thuốc trừ sâu này đã bị cấm ở Úc, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Là một nước nông nghiệp nhiệt đới nên việc sử dụng thuốc trừ sâu để diệt trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng là điều khó tránh ở Việt Nam. Tại đây, loại thuốc độc hại monocrotophos cùng một số độc chất cấp tính khác đã được đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ban hành kèm theo Quyết định số 39/1998/QĐ-BNN-BVTV ngày 26/02/1998 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ Hệ thống hành động chống thuốc trừ sâu (PAN), nông dân Việt Nam hiện vẫn dùng một số loại thuốc trừ sâu có thành phần bị cấm ở châu Âu và châu Mỹ bất chấp lệnh cấm nhập thuốc trừ sâu độc hại, không nằm trong danh mục thuốc cho phép nhập của Chính phủ. Bên cạnh đó, sức khỏe của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam cũng đang bị đe dọa do thiếu kiến thức về an toàn trong sử dụng thuốc trừ sâu hoặc không có những dụng cụ, thiết bị bảo hộ phù hợp khi pha trộn, phun, rửa các loại hóa chất độc hại này. |