Thu giữ hai cá thể vượn quý hiếm tại một gia đình bác sĩ

ThienNhien.Net – Theo ông Nguyễn Phú Quới, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Bình Phước, Hạt kiểm lâm Phước Long vừa lập biên bản thu giữ hai cá thể vượn quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (gồm 01 vượn đen má vàng, 01 vượn đen má trắng) tại một gia đình bác sĩ ở thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long.

“Hai cá thể vượn này sẽ tiếp tục được giữ tại nhà dân cho đến đầu tuần tới trước khi được chuyển giao cho Phòng bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập theo dõi sức khỏe. Nếu chúng có sức khỏe tốt và có khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên thì sẽ sớm được thả về tự nhiên” – ông Quới cho biết thêm.

020813_vuon2

020813_vuon1
Hai cá thể vượn vừa được phát hiện trong nhà dân

Trước đó, khi vào trang facebook cá nhân, một cán bộ thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã phát hiện những bức ảnh chụp hai cá thể vượn này được đăng tải trên trang cá nhân của một người bạn và người đó nói chụp tại Bình Phước. Ngay lập tức, vị cán bộ này đã liên hệ với Chi cục kiểm lâm Bình Phước để giải cứu hai cá thể.

Nhận được chỉ đạo của Chi cục kiểm lâm Bình Phước, Hạt kiểm lâm Phước Long đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu sự việc, phát hiện và lập biên bản thu giữ hai cá thể vượn. Mỗi cá thể nặng khoảng 10 kg, được nuôi nhốt trong lồng sắt được bao quanh bởi lưới thép B40 tại gia đình có hai vợ chồng là bác sĩ trú tại thị trấn Thác Mơ.

Theo lời của chủ nhân nuôi nhốt trái phép hai cá thể vượn, cách đây vài năm, họ xuống địa phương chữa bệnh cho người dân và được tặng hai con thú này. Họ thấy lạ nên mang về nuôi chứ không biết đây là động vật quý hiếm.

Được biết, vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae) phân bố ở phía Nam Việt Nam và Đông Campuchia. Tại VQG Bù Gia Mập, loài này có khoảng 176 cá thể. Trong Nghị đinh 32/2006 của Chính phủ, vượn đen má vàng thuộc nhóm IB. Chúng được xếp vào nhóm Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và nhóm Sẽ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.

Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) thì được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam và Lào, loài này cũng được xếp ở mức Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam.