Khả năng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái tại TP. HCM

ThienNhien.Net – Để xem xét khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một vị trí, địa điểm cụ thể, cần dựa trên những đặc trưng của khu công nghiệp sinh thái, các yêu cầu về bảo vệ môi trường của địa phương, và đặc điểm hệ thống các tiêu chí, chỉ số đánh giá.

Kết quả nghiên cứu điển hình(1) tại 14 khu công nghiệp, khu chế xuất và 102 cơ sở sản xuất thuộc Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Hiệp Phước trên địa bàn TP. HCM cho thấy, mặc dù chưa đạt yêu cầu của một khu công nghiệp sinh thái, song các khu công nghiệp nằm trong đối tượng khảo sát hoàn toàn có thể khắc phục những điểm chưa đạt và từng bước xây dựng kế hoạch để đạt được yêu cầu của khu công nghiệp sinh thái.

Nhằm làm rõ khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại TP. HCM – mô hình hướng đến sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu thấp nhất sự phát sinh chất thải và tăng tối đa khả năng tái sử dụng nguyên liệu, năng lượng, nhóm phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Trưởng khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Văn Lang, TP. HCM), một trong hai tác giả đồng chủ nhiệm nghiên cứu nêu trên.

– Thưa Tiến sĩ, bà có thể cho biết đôi điều về hiện trạng phát triển khu công nghiệp tại TP. HCM cũng như cơ sở của việc lựa chọn mô hình khu công nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện thành phố?

TS. Trần Thị Mỹ Diệu: TP. HCM hiện có 3 khu chế xuất và 12 khu công nghiệp với tỷ lệ đất cho thuê từ 60 – 100% tổng diện tích.

Tính đến ngày 18/3/2011, các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố có 1.216 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.678,89 triệu USD, trong đó đầu tư nước ngoài 483 dự án với tổng vốn 4.023,21 triệu USD; đầu tư trong nước 733 dự án với tổng vốn 2.655,68 triệu USD(2).

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, thành phố sẽ có 23 khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng diện tích khoảng 6.500 ha.

Hiện tại, ở các tỉnh, thành trong cả nước, bên cạnh những khu công nghiệp đã hình thành và đang hoạt động, nhiều khu công nghiệp mới sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Các khu công nghiệp mới này đều phải và sẽ được quy hoạch, thiết kế theo “Quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng khu công nghiệp”. Tuy nhiên, để phát triển theo định hướng khu công nghiệp sinh thái, bên cạnh những yêu cầu này, các khu công nghiệp còn cần phải xem xét đến 4 yếu tố chính gồm: (i) thiết kế thân thiện môi trường, chú trọng đến không gian bên ngoài, nhà xưởng, phòng làm việc và bảo đảm mạng lưới không gian xanh trong phạm vi từng cơ sở sản xuất và trong khu công nghiệp; (ii) quy hoạch dòng vật chất và năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế hệ thống sử dụng năng lượng, tài nguyên, hệ thống tái sử dụng và tái chế chất thải; (iii) xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp thông qua hoạt động chia sẻ tài nguyên và thông tin; (iv) hình thành những nét đặc trưng của khu công nghiệp với các dịch vụ phục vụ chung cho khu công nghiệp và khu dân cư lân cận.

Ngoài ra, công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp và các thành phần liên quan khác cũng phải tự nguyện tham gia vào sự phát triển khu công nghiệp sinh thái. Nếu đạt được những yêu cầu này, mô hình khu công nghiệp sẽ vừa tuân thủ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường của Việt Nam, vừa thỏa mãn các tiêu chí của một khu công nghiệp sinh thái.

Ảnh: Tinkinhte.com
Ảnh minh họa: Tinkinhte.com

– Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại TP. HCM hoàn toàn khả thi. Vậy tính khả thi ở đây đúng với tất cả các đơn vị nằm trong nhóm nghiên cứu hay chỉ một số trong nhóm đó, thưa Tiến sĩ?

TS. Trần Thị Mỹ Diệu: Mỗi khu công nghiệp có những đặc trưng khác nhau do bản thân các ngành nghề đầu tư vào khu công nghiệp khác nhau và tùy theo vị trí địa lý, mỗi khu công nghiệp có mối tương quan khác nhau với khu vực xung quanh (khu dân cư, khu trồng trọt, khu chăn nuôi…). Do đó, đặc điểm sinh thái của mỗi khu công nghiệp sẽ khác nhau về hoạt động trao đổi và tối ưu hóa dòng vật chất giữa các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp với nhau và với bên ngoài.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu điều này được giải quyết, các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn TP. HCM đều có khả năng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái.

– Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM có mặn mà với mô hình mới này? Những lợi ích mà họ nhận được nếu tự nguyện tham gia? Theo Tiến sĩ, cần sự hỗ trợ như thế nào về mặt chính sách, công nghệ… để thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp?

TS. Trần Thị Mỹ Diệu: Khi phát triển khu công nghiệp sinh thái, lợi ích kinh tế mà từng cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp thu được có thể không đáng kể nhưng tổng lợi ích tích lũy về kinh tế, môi trường và xã hội mà khu công nghiệp sinh thái mang lại sẽ trở nên đáng kể khi tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo, nguồn chất thải được tái sử dụng một cách tối đa, môi trường không bị ô nhiễm, ý thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về bảo vệ môi trường đều được nâng cao.

Các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp sinh thái cũng sẽ được hưởng lợi ích kinh tế trực tiếp từ việc tối ưu hóa dòng vật chất ở cơ sở của họ, từ những dịch vụ được chia sẻ chung trong toàn khu công nghiệp, từ sự ủng hộ của người tiêu dùng đối vói các sản phẩm có nhãn khu công nghiệp sinh thái.

Để khuyến khích cơ sở sản xuất tham gia phát triển khu công nghiệp sinh thái, thiết nghĩ cần đưa khái niệm “Khu công nghiệp sinh thái” vào các văn bản pháp quy liên quan và xây dựng chiến lược phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành “Hướng dẫn tự đánh giá cấp độ đạt Khu công nghiệp sinh thái đối với các khu công nghiệp hiện hữu và đối với dự án phát triển khu công nghiệp trong tương lai” dựa trên hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá đã xây dựng. Đặc biệt, cần ban hành quy định, hướng dẫn và tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận khu công nghiệp sinh thái theo các cấp độ đạt cho các khu công nghiệp. Chứng nhận có hiệu lực trong thời gian 05 năm.

Song song với những giải pháp pháp trên, cần xây dựng và ban hành chính sách ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc khu công nghiệp sinh thái trong hệ thống thương mại trong nước làm động lực cho khu công nghiệp và cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Thêm nữa, cần xem xét và ban hành các chính sách tài chính khuyến khích cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp giảm khai thác nước; tái sử dụng nước thải sau xử lý; thu gom và tái sử dụng nước mưa; tái sử dụng chất thải/phế liệu và sử dụng năng lượng hiệu quả.

– Đặc điểm hệ thống các tiêu chí, chỉ số đánh giá là một trong những yếu tố giúp nhận diện, đánh giá khả năng áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại mỗi địa bàn? Tiến sĩ có thể chia sẻ sâu hơn về hệ thống này?

TS. Trần Thị Mỹ Diệu: Hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá khu công nghiệp sinh thái gồm hai nhóm: nhóm 1 (hệ thống tiêu chí sàng lọc) và nhóm 2 (hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá và xếp hạng khu công nghiệp sinh thái). Trong đó, hệ thống tiêu chí sàng lọc giúp xác định những khu công nghiệp chưa thể đưa vào danh sách đánh giá và xếp hạng khu công nghiệp sinh thái. Chúng bao gồm 3 tiêu chí và 7 chỉ số, được áp dụng theo hình thức loại dần. Nếu khu công nghiệp không đạt bất kỳ chỉ số nào sẽ bị loại khỏi danh sách đánh giá và xếp hạng khu công nghiệp sinh thái.

Hệ thống tiêu chí và chỉ số đánh giá và xếp hạng khu công nghiệp sinh thái thì được đề xuất gồm 4 tiêu chí và 38 chỉ số. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo hai cấp: cấp cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp và cấp khu công nghiệp.

Sau khi tính toán, sẽ có ba mức đánh giá và xếp hạng khu công nghiệp sinh thái đối với khu công nghiệp: (i) Nếu tổng số điểm của mỗi tiêu chí đạt ít nhất 60% điểm tối đa của từng tiêu chí và tổng số điểm của cả 4 tiêu chí đạt ít nhất 70 – 80 điểm, khu công nghiệp được xếp loại khu công nghiệp kiểm soát ô nhiễm; (ii) Nếu tổng số điểm của mỗi tiêu chí đạt ít nhất 70% điểm tối đa của từng tiêu chí và tổng số điểm của cả 4 tiêu chí đạt ít nhất 81 – 90 điểm, khu công nghiệp được xếp loại khu công nghiệp thân thiện với môi trường; (iii) Nếu tổng số điểm của mỗi tiêu chí đạt ít nhất 80% điểm tối đa của từng tiêu chí và tổng số điểm của cả 4 tiêu chí đạt từ 91 điểm trở lên, khu công nghiệp được xếp loại khu công nghiệp sinh thái.

– Khi xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì về giải pháp công nghệ và quản lý môi trường, thưa Tiến sĩ? 

TS. Trần Thị Mỹ Diệu: Các giải pháp công nghệ môi trường chính cần áp dụng khi xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái là các giải pháp giúp sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu, nước và năng lượng; giảm phát sinh chất thải; thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải và trao đổi chất thải; các giải pháp xử lý chất thải thân thiện với môi trường.

Về mặt quản lý môi trường, cần định hướng công tác quản lý chất lượng môi trường khu công nghiệp và cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp theo ISO 14001.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!


(1): Đề tài “Nghiên cứu đề xuất khung chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái tại TP. Hồ Chí MInh và một số tỉnh thành lân cận”, Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Thị Mỹ Diệu và TS. Phan Thu Nga.

(2): Tham khảo tại địa chỉ: http://www.hepza.gov.vn/web/guest/kcn_kcx-tphcm/gioi-thieu-chung, ngày 25/7