ThienNhien.Net – Trong bối cảnh các vòng đàm phán quốc tế về khí hậu đã hoàn toàn thất bại, thuế phát thải các-bon sẽ là giải pháp tốt nhất để giảm lượng khí thải CO2.
Có một thực tế khắc nghiệt và đáng sợ là sau hơn 20 năm thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu, bao gồm việc dốc rất nhiều thời gian, sức lực và tiền của cho việc thực hiện Nghị định thư Kyoto, lượng phát thải khí các-bon toàn cầu vẫn gia tăng, thậm chí còn nhanh hơn so với năm 1990. Lúc đó, nồng độ khí thải tăng khoảng 1,5 ppm (phần triệu) mỗi năm, trong khi con số hiện nay là 2 ppm. Đến nay không mấy có dấu hiệu cho thấy xu hướng này sớm được chặn đứng và không lâu nữa, ngưỡng giới hạn toàn cầu 400 ppm sẽ bị vượt qua.
Điều này tất nhiên sẽ nảy sinh hai câu hỏi quan trọng. Thứ nhất, tại sao chúng ta bỏ ra nhiều nỗ lực như thế mà chỉ thu được chút ít kết quả, và tại sao “vốn” chính trị và phí tổn tài chính bị tiêu tốn nhiều như thế mà chỉ thu về chút ít hiệu quả? Thứ hai là nếu cho rằng các cách tiếp cận hiện tại đã thất bại thảm hại, vậy chúng ta phải đi theo hướng nào nếu biến đổi khí hậu tiếp diễn?
Tại sao khí thải không giảm?
Chắc chắn chúng ta nên xuất phát từ câu hỏi khí thải sinh ra từ đâu. Câu trả lời đã rõ ràng: than đá. Kể từ năm 1990, than đá chính là loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của con người, đặc biệt là cho việc phát điện.
Nhu cầu năng lượng sơ cấp trên thế giới đã tăng từ khoảng 25% lên gần 30%. Phần lớn lượng than đá gia tăng được sử dụng ở Trung Quốc. Mặc dù đã chuyển hướng giảm tỉ lệ phát điện từ than đá, nhưng Trung Quốc sẽ còn tiêu thụ than đã nhiều hơn nữa trong những năm sắp tới. Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang đưa vào vận hành khoảng ba nhà máy nhiệt điện mỗi tuần, từ nay đến năm 2020 sẽ có khoảng 400-600 gigawatt điện từ than đá tại các nước này sẽ đi vào hệ thống năng lượng toàn cầu.
Nhưng trước khi trách móc Trung Quốc, điều quan trọng bây giờ là phải tìm ra nguyên do của sự gia tăng này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc dựa chủ yếu vào xuất khẩu, đặc biệt là các hàng hóa mà khâu sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, từ thép và hóa dầu tới những sản phẩm lắp ráp. Những sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu trên thị trường Mỹ và châu Âu, những nước chiếm tới gần 50% GDP toàn cầu.
Lượng tiêu thụ các-bon là cơ sở để đo dấu chân các-bon (carbon footprint). Do vậy, trách nhiệm thuộc về những người tiêu thụ nó, chứ không phải là người sản xuất sinh ra khí thải các-bon tại những khu vực địa lí nhất định nào đó. Trong khi đó, khuôn khổ của nghị định thư Kyoto vẫn chưa xem xét đến lượng tiêu thụ. Thay vào đó, Nghị định này tập trung vào sản xuất các-bon, mà chủ yếu là ở Châu Âu, nơi mà xu hướng giảm công nghiệp hóa và sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến mục tiêu này trở nên dễ dàng hơn. Giả dụ, từ năm 1990 đến 2005, sản lượng các-bon của Vương quốc Anh giảm 15%, nhưng nếu xét đến lượng nhập khẩu carbon thì lượng tiêu thụ các-bon tăng tới hơn 19%. Điều này có thể giải thích tại sao sản lượng các-bon tại các nước châu Âu có thể giảm theo lộ trình của nghị định thư Kyoto trong khi lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng.
Đáng buồn thay đây không phải là khiếm khuyết duy nhất trong cách tiếp cận của nghị định thư Kyoto. Với Nghị định này, một số quốc gia phải giảm lượng khí thải trong khi một số không phải có trách nhiệm gì cả, và nó cũng không nhắm vào các quốc gia mà ở đó khí thải thực sự là vấn đề.
Đã đến lúc phải nhận ra rằng tuy là một ý tưởng hay, nhưng cơ chế của nghị định thư Kyoto không thể ngăn chặn biến đổi khí hậu. Điều này cũng lý giải tại sao không có sự giảm bớt nào về lượng khí thải?
Làm gì để giảm lượng khí thải?
Cần phải nhìn nhận rằng nếu không phải chi trả cho sự ô nhiễm, người ta sẽ không quan tâm đến nó và tiêu thụ các-bon là cơ sở tốt nhất để xác định mức độ ô nhiễm, chứ không phải là sản sinh ra các-bon. Do vậy, cần phải định giá (áp thuế) cho việc tiêu dùng các-bon.
Tuy nhiên, thuế phát thải các-bon cần có những điều chỉnh giữa các quốc gia để đảm bảo rằng, hàng hóa được sản xuất phát thải nhiều các-bon nhập khẩu từ các quốc gia không đánh thuế các-bon được đối xử như các sản phẩm nội địa.
Điều này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Các chính trị gia không mặn mà với thuế phát thải các-bon, vì sợ rằng họ sẽ bị mất phiếu bầu nếu dám làm cho cử tri phải trả tiền cho ô nhiễm.
Thuế carbon được cho là bảo hộ nền công nghiệp trong nước, can thiệp vào thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các đánh giá hiện tại cho thấy là nếu chúng ta không muốn chi trả cho sự ô nhiễm mà chúng ta gây ra, thì có nghĩa là chúng ta không thực sự muốn giải quyết sự biến đổi khí hậu. Vì một giải pháp thuế các-bon hẳn nhiên sẽ ít tốn kém hơn những giải pháp khác với sự can thiệp sâu của chính phủ. Trong khi đó, kiểm soát ô nhiễm, lựa chọn công nghệ, định ra hạn ngạch khí thải và trợ cấp để tác động tới các quyết định đầu tư đều là các giải pháp được các nhà đầu tư ủng hộ vì mục tiêu lợi nhuận.
Chính vì thế, để giải quyết biến đổi khí hậu, sẽ không có giải pháp thay thế thực sự nào hơn việc đánh đổ những chỉ trích về thuế các-bon. Nhưng đến nay vẫn rất ít cơ sở để lạc quan về việc dần xuất hiện các hình thức đánh thuế carbon ở nhiều quốc gia với nhu cầu về một nguồn doanh thu mới.
Thuế phát thải các-bon không nhất thiết là một loại trợ cấp xuất khẩu vì như vậy nó sẽ làm méo mó thương mại. Việc đánh thuế carbon phải có lợi cho thương mại và cải thiện hiệu suất năng lượng. Thuế tiêu dùng các-bon sẽ gồm hai phần: thuế các-bon nội địa và thuế đánh vào các-bon nhập khẩu.
Có rất nhiều cách để tính toán lượng carbon nội địa, từ những khoản thuế thượng nguồn tại nơi khai thác, sản xuất tới những khoản thuế hạ nguồn áp lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với carbon ngoài biên giới quốc gia, thuế các-bon có thể bắt đầu từ thép, nhôm, hóa dầu và phân bón và sau đó dần dần mở rộng.
Áp thuế carbon có một lợi thế nữa là các quốc gia có thể thực hiện một cách độc lập, không cần phải đợi một thỏa thuận toàn cầu. Các quốc gia áp thuế carbon cũng không làm phương hại đến các ngành công nghiệp trong nước.
Một vấn đề khác cần ưu tiên giải quyết là than dá. Than đá thực sự là một nguyên liệu bẩn. Ở Trung Quốc, hàng năm có tới hàng ngàn thợ mỏ tử vong. Các mỏ than rò rỉ khí mê-tan, làm ô nhiễm nước ngầm bằng các kim loại nặng. Đồng thời, chúng ta tốn rất nhiều năng lượng để khai thác than và chuyển nó tới các nhà máy năng lượng. Quá trình này không những phát thải khí các-bon mà còn nhiều loại chất ô nhiễm quan trọng khác. Các nhà máy nhiệt điện chạy than cũng sử dụng nhiều nước để làm mát và xử lí tro bụi.
Khí gas là một thay thế tạm thời, với dấu chân các-bon chỉ bằng một nửa than đá và ít độc hại hơn. Ở Mỹ, có rất ít hoặc là không có chính sách nào liên quan đến khí hậu và năng lượng, nhưng khí đá phiến (shale gas) đang dần thay thế than đá, dẫn tới sự giảm phát thải khí nhiều nhất tại các quốc gia phát triển nằm ngoài nghị định thư Kyoto. Trái lại, ở châu Âu, chính phủ các nước (đặc biệt là Pháp) đã cấm khí đá phiến với lí do khí này có thể gây rò rỉ khí metan và ô nhiễm nước ngầm. Tuy còn tồn tại, song tình hình hiện nay cho thấy, nếu khí đá phiến bị cấm, thì khai thác than cũng phải được coi là bất hợp pháp. Trong khi đó, sự hạn chế khí đốt ở Châu Âu đang khiến than đá được sử dụng nhiều hơn.
Khí tự nhiên cũng là một phương án tạm thời và trừ phi có những thành công lớn trong việc thu hồi và lưu giữ các-bon, chúng ta cuối cùng vẫn phải giảm dần việc sử dụng khí tự nhiên trong một thế giới không các-bon.
Trong khi đó, không có loại nhiên liệu tái tạo nào hiện nay có thể thu hẹp khoảng cách đến hướng khử các-bon. Bởi vì gió, năng lượng mặt trời, các loại nhiên liệu và chất thải sinh học cần một diện tích đất lớn và nguồn nước, những thứ mà tự nhiên đã không thể cung cấp thêm.
Nếu phát thải các-bon được áp thuế dựa trên lượng tiêu thụ các-bon kết hợp với việc chấm dứt sử dụng than đá và chuyển sang sử dụng khí gas, thì hy vọng rằng ngưỡng 500 ppm sẽ không bị vượt qua trước năm 2050. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục con đường đã đi cùng hy vọng nghị định thư Kyoto sẽ giải quyết được vấn đề, chắc chắn điều đó chỉ là huyễn tưởng và sẽ mang lại mất mát hơn là lợi ích.