ThienNhien.Net – Không chỉ địa phương có quặng, Lào Cai, Lạng Sơn… còn là cửa ngõ quăng lậu phải đi qua để sang Trung Quốc, nhưng đại biểu Quốc hội hai địa phương này đều khẳng định đã giám sát nhưng không phát hiện gì.
Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam đã công bố một số liệu khiến nhiều người giật mình, đó là số liệu thống kê về xuất khẩu quặng sắt giữa Hải quan VN và Hải quan TQ có chênh lệch nhau tới gấp đôi.
Cụ thể, trong năm 2011, theo Hải quan Trung Quốc công bố, nước này nhập gần 2,9 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 106 USD/tấn. Trong khi đó, Hải quan Việt Nam thì Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc hơn 1,3 triệu tấn quặng sắt với giá trung bình chỉ 52 USD/tấn (chênh hơn 1,5 triệu tấn và 54 USD/tấn).
Năm 2012, báo cáo của Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này nhập hơn 1,7 triệu tấn quặng sắt của Việt Nam, với giá trung bình 92 USD/tấn. Trong khi Hải quan Việt Nam lại công bố chỉ xuất được 23,6 ngàn tấn quặng sắt sang Trung Quốc với giá trung bình 46 USD/tấn.
Hiệp hội Thép cũng khẳng định, có tình trạng móc nối giữa các công ty khai khoáng với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác để khai thác và xuất lậu quặng sắt sang Trung Quốc.
Để hiểu về việc giám sát khai thác và xuất khẩu quặng thô của các địa phương có quặng sắt và cửa ngõ sang Trung Quốc, chúng tôi đã liên hệ với đại biểu Quốc hội tại một số tỉnh phía Bắc.
Tại Lào Cai, với mỏ Quý Sa có trữ lượng trên 120 triệu tấn, được xem là lớn thứ hai tại Việt Nam, sau mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Chiều 19/7, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại biểu Giàng Thị Bình, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho hay, hiện bà chưa nắm được thông tin về xuất luật quặng sắt, cũng như số liệu báo cáo có chênh lệch lớn giữa Hải quan VN và TQ mà Hiệp hội Thép đã đưa ra.
Theo đại biểu Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh. “Cuối năm ngoái đoàn đại biểu Quốc hội cũng giám sát việc khai thác khoáng sản trên địa bàn nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm”, đại biểu Bình nói thêm.
Theo vị đại biểu này, thời gian tới có giám sát hay không, yêu cầu tỉnh có báo cáo hay không phải căn cứ vào chương trình giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phải có chương trình mới giám sát. Đại biểu này nói: “Còn có dư luận cũng phải tùy vụ việc mới giám sát, thẩm tra để có trả lời dư luận, chứ không phải cứ có dư luận là giám sát. Vì dư luận thì có phải cái gì cũng đúng đâu. Còn chúng tôi giám sát rồi, chưa phát hiện có vấn đề gì”.
Với Lạng Sơn, nơi đây không chỉ có quặng, còn là cửa ngõ Việt – Trung, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2012, đoàn đã có đợt giám sát về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời điểm đó chỉ có chút vấn đề trong khai thác vật liệu xây dựng như đá, cát, còn với khoáng sản thì không có gì nhiều.
“Thực ra trên địa bàn tỉnh khai thác không đáng mấy, chủ yếu ở Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Cao Bằng… nhưng Lạng Sơn là cửa ra, các tỉnh khác dồn về đấy để xuất sang TQ. Vừa rồi Chính phủ có cho phép xuất một ít quặng tồn trong nước tiêu thụ chưa hết, chắc có tình trạng lời dụng chủ trương này để khai khống, xuất lậu”, đại biểu Thành nhận định.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía chúng tôi, đại biểu Thành cho biết: “Vấn đề này tối sẽ có ý kiến với Hải quan và chính quyền địa phương cửa khẩu trong công tác kiểm soát, kiêm tra. Đồng thời tôi cũng sẽ có ý kiến và trao đổi lại với lãnh đạo UBND tỉnh xem sao”.
Với diễn đàn Quốc hội, đại biểu Thành cho hay: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để nắm rõ tình hình, trong các phiên giải trình sẽ có ý kiến”.
Xuất lậu than, chỉ nghe phong thanh
Trong khi đó, nói về số liệu 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 2 triệu tấn than xuất lậu sang Trung Quốc chủ yếu qua vịnh Bái Tử Long do TS Nguyễn Thành Sơn cung cấp, qua điện thoại, ông Trần Văn Minh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho hay, thông tin TS Sơn cung cấp ông không biết, “nhưng trước nay dư luận bên ngoài thì chỗ này, chỗ kia cũng có nói, nên cũng có nắm được một ít”, ông Minh cho biết. Tuy nhiên, theo ông Minh, báo cáo chính thức của UBND tỉnh về việc xuất lậu than sang Trung Quốc thì chưa có. “Cũng có một thời kỳ nổi lên vấn đề này (xuất lậu than – PV), nhưng sau đố UBND tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, cùng với sự phối hợp tốt của ngành than nên cũng đã tốt lên rất nhiều. Lác đác chỗ này chỗ kia thì cũng có bắt được một vài tàu bé chở lậu, còn số liệu chính thức như anh nói thì tôi chưa có báo cáo chính thức việc này”, đại biểu Minh nói thêm. |