ThienNhien.Net – Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã trên toàn cầu mang về khoản lợi bất chính chừng 19 tỉ USD mỗi năm, đứng thứ tư sau buôn lậu ma túy, buôn hàng nhái và buôn người.
Thông tin từ trang web của Cục quản lý Cá và Động vật hoang dã Mỹ (USFWS), đầu tháng 8, Mỹ sẽ tiến hành xét xử 154 nghi can tội buôn lậu động vật hoang dã có trong danh sách bảo tồn qua mạng Internet.
Mỹ, ASEAN cùng ra tay
Số nghi can này bị bắt trong chiến dịch Operation Wild Web (OWW – tạm dịch là chiến dịch truy quét buôn lậu động vật hoang dã qua Internet). Chiến dịch diễn ra 14 ngày (từ ngày 8-8 đến 22-8-2012) tại 16 bang của Mỹ và ba nước ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Singapore), mục tiêu nhằm ngăn chặn buôn lậu động vật hoang dã qua Internet.
Tham gia chiến dịch có USFWS, ba cơ quan liên bang của Mỹ với sự phối hợp hoạt động của Mạng lưới Quản lý Động – Thực vật hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN). ASEAN-WEN tự hào là mạng lưới quản lý động – thực vật hoang dã lớn nhất thế giới với sự tham gia của các cơ quan cảnh sát, hải quan và môi trường của toàn bộ 10 nước ASEAN, hoạt động nhằm ngăn chặn buôn lậu động vật hoang dã ở các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, chiến dịch còn được sự giúp đỡ từ tổ chức Xã hội nhân đạo (HSUS) của Mỹ, Quỹ Quốc tế vì bảo vệ động vật (IFAW) ở Mỹ, tổ chức phi chính phủ Freeland Foundation hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên tại châu Á và Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) ở Đông Nam Á.
USFWS tuyển từ các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã khắp nước khoảng 70 đặc vụ và các nhân viên bảo tồn tiến hành điều tra hoạt động mua bán trái phép bộ phận động vật hoang dã qua mạng Internet. Nhân viên các cơ quan Công viên Quốc gia, Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia của Mỹ được lập thành 14 nhóm tham gia chiến dịch. Cùng lúc tại Singapore, Thái Lan, Indonesia, các nhân viên bảo tồn động vật hoang dã cũng thành lập các lực lượng thực hiện chiến dịch.
Ông Greg Williford, đứng đầu lực lượng đặc nhiệm ở bang Texas – một trong 16 bang của Mỹ tham gia chiến dịch, cho biết trong 14 ngày, các đặc vụ đã rà soát, lùng sục đến từng ngõ ngách các trang mạng gia dịch mua bán quốc tế như eBay, Craigslist… các diễn đàn, các mục rao vặt trong các trang báo mạng tìm kiếm thông tin chào mời mua bán động vật hoang dã. Sau khi thu thập thông tin, các đặc vụ giả làm người mua hàng liên lạc với nghi can rao bán động vật hoang dã. Khi nghi can mang hàng đến giao, thay vì nhận được tiền sẽ bị bắt.
Động vật hoang dã và các bộ phận, các sản phẩm được làm từ động vật hoang dã USFWS thu giữ trong chiến dịch bao gồm da của một số loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Sumatra, báo (loài động vật quý hiếm ở châu Mỹ, đã được cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng 40 năm trước), báo đốm, chim di trú còn sống, mai rùa biển nhiệt đới, những đôi giày làm từ da rùa biển nhiệt đới, rùa Texas (có nguy cơ tuyệt chủng), răng cá voi, ngà voi, xác chim di trú đóng tranh, chim giẻ cùi California, vịt khoang Bắc Mỹ, mòng két, vịt trời (được bảo vệ theo nội dung các hiệp ước giữa Mỹ với Nga, Canada và Mexico, dù đã chết vì bất cứ lý do gì cũng không được mua bán), ngà hải mã, cá đuối gai độc, các loại rắn…, theo USFWS. Tiền mặt tịch thu kèm theo là hơn 60.000 USD.
Mỹ có nhiều luật bảo vệ động vật hoang dã, như Luật Hiệp ước Chim di trú và Luật Bảo vệ đại bàng vàng cấm mọi hoạt động mua bán chim di trú được bảo vệ, Luật Các loài có nguy cơ tuyệt chủng cấm mọi hoạt động mua bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và sản phẩm làm từ chúng giữa các bang với nhau và ra nước ngoài, Luật Bảo vệ động vật biển hữu nhũ hạn chế mua bán các bộ phận động vật biển hữu nhũ và sản phẩm từ chúng, Luật Lacey cấm vận chuyển động vật hoang dã và sản phẩm từ chúng từ bang này sang bang khác và ra khỏi biên giới Mỹ. Các nghi can trên bị truy tố các tội vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, buôn lậu động vật hoang dã được bảo vệ, hình phạt có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm tù giam.
Theo kênh truyền hình CBS, vợ chồng nghi can Hanna Karim và Margarita Licomitros bị truy tố vì rao bán một bộ da hổ Sumatra với giá 8.000 USD và khả năng mỗi người sẽ phải ngồi tù một năm nếu bị kết tội.
Nghi can Rene De La Peza cũng có thể bị một năm tù vì bán một bộ da báo đốm (sống ở Nam và Trung Mỹ) với giá 15.000 USD qua trang mạng Craigslist.
Nghi can Lewis Keister đối diện với mức án năm năm tù giam vì bán các sản phẩm làm từ da rùa biển, xương cá voi cho đặc vụ USFWS giả danh người mua.
Nghi can Rodrigo Macedo có thể sẽ phải ngồi tù sáu tháng vì bán hai con chim giẻ cùi cho đặc vụ USFWS.
Thông tin từ trang web ASEAN-WEN, trong chiến dịch, lực lượng đặc vụ hai nước Thái Lan, Indonesia đã triệt phá bảy vụ, tịch thu nhiều bộ phận của hổ, báo đốm, chim tê điểu, đại bàng Javan.
Ngoài ba nước ASEAN tham gia chính thức, các cơ quan bảo vệ động vật Myanmar cũng có hoạt động hỗ trợ chiến dịch, phát hiện bốn vụ buôn lậu động vật hoang dã qua mạng và tịch thu bảy con chim myna còn sống, 74 con vẹt đuôi dài còn sống, thịt nai tươi và khô.
Internet đe dọa động vật hoang dã
Phó Giám đốc USFWS Edward Grace cho biết chiến dịch này muốn khẳng định thông điệp: Internet không phải là thị trường mua bán động vật hoang dã. Theo ông, USFWS và ASEAN-WEN đã phối hợp rất tốt để chiến dịch thành công, tuy nhiên sự phối hợp này vẫn phải được duy trì để triệt phá các đường dây buôn lậu động vật hoang dã qua Internet cũng như qua các kênh khác.
Chủ tịch HSUS Wayne Pacelle cũng cảnh báo, lượng động vật hoang dã được chào bán trên các trang mạng Internet quá lớn, các cơ quan bảo vệ, bảo tồn phải tăng cường hơn nữa hoạt động truy quét nếu muốn ngăn đà tuyệt chủng của các giống loài này.
Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời Giám đốc IFAW vùng Bắc Mỹ Jeff Flocken nhận định Internet đã trở thành một nơi đầy đe dọa đối với động vật vì đây là một trong những địa điểm buôn lậu động vật hoang dã chính hiện nay. Theo ông, tội phạm buôn lậu động vật hoang dã không chỉ gây hại đến các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và toàn cầu.
Theo trang web của USFWS, buôn lậu động vật hoang dã là một vấn nạn chính cản trở chương trình bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay. Vấn đề bảo tồn động vật hoang dã đã và đang thu hút quan tâm của nhiều lãnh đạo thế giới. Gần đây, trong chuyến thăm châu Phi – nơi đang rất vất vả bảo vệ động vật hoang dã, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm phát triển ngăn chặn săn bắn trộm động vật hoang dã quy mô toàn cầu, tập trung vào hai loài voi và tê giác.
Ý định liên kết toàn cầu ngăn chặn tiêu diệt động vật hoang dã không phải mới. Tin từ trang web của Cơ quan Bảo vệ động vật hoang dã Philippines, trong vòng một tháng (ngày 6-1 đến 5-2-2013), các cơ quan cảnh sát, hải quan, bảo vệ động vật hoang dã Mỹ và các nước châu Á, châu Phi đã cùng thực hiện chiến dịch Cobra (Rắn hổ mang) nhằm triệt phá hoạt động buôn lậu động vật hoang dã có tổ chức. Tham gia chiến dịch có USFWS của Mỹ, ASEAN-WEN, Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Nam Phi, Zambia, Botswana, Cameroon, Congo, CHDC Congo, Gabon, Mozambique, Tanzania, Uganda.
Đây là nỗ lực quốc tế lớn nhằm chia sẻ thông tin điều tra theo dõi hoạt động buôn lậu động vật hoang dã giữa các nước, qua đó cùng bàn bạc lên kế hoạch ngăn chặn. Các kỹ thuật điều tra đặc biệt đã được áp dụng trong chiến dịch. Kết quả, hàng trăm nghi can đã bị bắt, hàng chục ngàn mẫu vật động vật hoang dã bị tịch thu: 10 con hổ, bảy đầu báo đốm, 26 sừng tê giác, 6.500 kg ngà voi, 1.550 kg khăn choàng shatoosh (khoảng 10.000 con linh dương Tây Tạng đã bị giết để có được số len làm số khăn choàng này), 2.600 con rắn còn sống, 342 chim tê điểu mỏ khoằm, 102 con tê tê, 800 kg vảy tê tê, …
Báo Bangkok Post dẫn báo cáo mới nhất của ASEAN-WEN công bố ngày 1-6 thừa nhận, ASEAN là một điểm nóng về buôn lậu động vật hoang dã, con số động vật hoang dã tịch thu được hằng năm trong các cuộc truy quét ngày càng nhiều. Năm 2011, đã có 386 vụ buôn lậu động vật hoang dã bị triệt phá với gần 39.000 con còn sống và hơn 36.000 con đã chết bị tịch thu so với chỉ 132 vụ năm 2010. Quỹ Quốc tế vì bảo vệ động vật (IFAW) nhận định các nước ASEAN vừa là nguồn cung cấp chính, vừa là nơi trung chuyển, vừa là điểm đến của hoạt động buôn lậu các sản phẩm từ hổ. Các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã khu vực này cần phối hợp tốt hơn để triệt phá. Để hoạt động hiệu quả, lực lượng bảo vệ cần được huấn luyện các kỹ năng điều tra, theo đuổi truy bắt tội phạm. Đầu tháng 7, Học viện Thực thi pháp luật quốc tế (ILEA) đã tổ chức hai hội thảo huấn luyện các kỹ năng này cho lực lượng bảo vệ động vật hoang dã các nước Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Lào, Trung Quốc, đặc biệt chú trọng kỹ năng bảo vệ các loài hổ hoang dã (vốn chỉ còn khoảng 3.200 con trên toàn cầu). |