“Tranh chấp môi trường chỉ đứng sau tranh chấp đất đai”

ThienNhien.Net – “Tranh chấp môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội, về mức độ chỉ đứng sau tranh chấp đất đai. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có ý thức giải quyết triệt để vấn đề môi trường mà mới chỉ dừng ở giải quyết ổn định an ninh trật tự”.

TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (IPSI) – Bộ Công thương cho biết như vậy tại Hội thảo “Đối thoại chính sách về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam” do IPSI và Quỹ Châu Á (AF) phối hợp tổ chức ngày 30/7 tại Hà Nội.

Ô nhiễm về môi trường chủ yếu do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Ô nhiễm về môi trường chủ yếu do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Theo nghiên cứu được IPSI thực hiện tại 5 địa phương gồm TP. HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hưng Yên và Đà Nẵng, ô nhiễm về môi trường tại các khu công nghiệp chủ yếu do người dân phát hiện ra và chỉ được công nhận khi người dân gây sức ép buộc chính quyền/cơ quan chức năng vào cuộc. Đặc thù của các vụ tranh chấp môi trường tại Việt Nam xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người.

Cũng theo kết quả nghiên cứu của IPSI, do thiếu năng lực trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm và thiếu minh bạch thông tin trong giải quyết ô nhiễm nên việc giải quyết tranh chấp môi trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện Việt Nam vẫn đang phải dùng cơ chế hành chính để giải quyết tranh chấp môi trường, tuy nhiên các cơ quan hành chính chỉ tham gia giải quyết vấn đề này như là giải quyết những xung đột gây mất an ninh trật tự địa phương chứ chưa tiến hành giải quyết vấn đề tranh chấp môi trường một cách triệt để.

Một trong những giải pháp quan trọng mà nhóm nghiên cứu đề xuất nhằm hạn chế tình trạng bất cập nêu trên là việc hình thành Ban Môi trường trực thuộc cấp tỉnh để tiếp nhận đơn thư khiếu nại về môi trường, và đơn vị này cũng chính là đơn vị trung gian tiến hành hòa giải cũng như xác định mức đền bù thiệt hại cho người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.

“Về lâu dài thì việc thành lập Tòa án Môi trường là cần thiết. Song song với đó, cần việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định hướng dẫn về trình tự khiếu kiện cũng như nâng cao năng lực cho những người cầm cân nảy mực của Tòa án đặc thù này”, TS. Lê Minh Đức, Trưởng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.