Hợp tác quốc tế giảm phát thải khí nhà kính

ThienNhien.Net – Na Uy vừa tiếp tục thể hiện cam kết đồng hành với Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu bằng khoản viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REED) giai đoạn II.

Văn kiện khởi động giai đoạn II của chương trình này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cùng đại diện Đại sứ quán Vương quốc Na Uy và Điều phối viên Liên hiệp quốc tại Việt Nam ký kết mới đây.

giam-thai-nha-kinh
Việt Nam và tăng diện tích bao phủ rừng lên 45% vào năm 2020 (Ảnh: Báo Đầu tư)

Chương trình UN-REED giai đoạn II được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột chính trong kế hoạch giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam và tăng diện tích bao phủ rừng lên 45% vào năm 2020.

Đây là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chương trình Hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) giai đoạn 2011 – 2020.

Trước đó, UN-REDD giai đoạn I được thực hiện thí điểm tại Lâm Đồng từ tháng 9/2009 đến 9/2012, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị các bước cơ bản để thực thi REDD+, cũng được Na Uy viện trợ với số tiền 4,3 triệu USD. Sang giai đoạn II, UN-REED sẽ giúp 6 địa phương, gồm Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mau, xác định, lập kế hoạch và triển khai những phương thức sử dụng đất bền vững, phù hợp với khí hậu và nhu cầu của từng vùng.

Chính phủ Na Uy và các đối tác quốc tế cũng sẽ có những khuyến khích tài chính khi việc giảm phát khí thải được đo lường và xác minh rõ ràng tại 6 tỉnh, thành phố được hưởng lợi trên.

Trong UN-REED giai đoạn II, yêu cầu của nhà tài trợ đưa ra với Việt Nam là chương trình phải có hướng đi rõ ràng, có trọng tâm để Việt Nam được hưởng lợi theo nhiều cách, không chỉ từ chương trình 30 triệu USD này. “Trước hết, tất cả mục tiêu của giai đoạn II cần được thực hiện đúng thời hạn”, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Là nước tiên phong trong các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu tiến tới thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số 47 nước đối tác Liên hợp quốc về giảm phát khí thải nhà kính thông qua cải thiện quản lý rừng và sử dụng đất, nhận được khoản viện trợ này.

“Chính phủ Việt Nam nên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi cả thế giới đang dõi theo những bước đi của Việt Nam trong các hoạt động của Chương trình REED toàn cầu”, Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Ragnhild Dybdahl nhấn mạnh.

Mặc dù không phải là đối tượng chính của UN-REED giai đoạn II, nhưng doanh nghiệp sẽ là đối tượng gián tiếp liên quan đến các kết quả thực hiện của 6 tỉnh hưởng lợi. Theo đó, những kết quả giảm phát thải khí nhà kính của các tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch hành động cho sản xuất bền vững đối với nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, chế biến cà phê, cao su và gỗ.

Đặc biệt, mục tiêu thứ 6 mà các nhà tài trợ đặt ra với Việt Nam là tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các chính phủ trong Tiểu vùng sông Mê Kông về giảm thiểu khai thác, buôn bán gỗ trái phép, đảm bảo nguồn cung hợp pháp và khai thác gỗ bền vững.

Ông Phạm Mạnh Cường, Chánh văn phòng REED+ Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp tham gia chương trình này là những doanh nghiệp có đất trồng và đang tham gia phát triển rừng, thường là các doanh nghiệp cà phê, cao su. Kế hoạch triển khai UN-REED giai đoạn II của mỗi tỉnh sẽ ảnh hưởng tới việc mở rộng hay không diện tích trồng các loại cây này.

“Do doanh nghiệp là đối tượng gián tiếp, nên hiện các nhà tài trợ và các tỉnh chưa đưa ra tiêu chí cụ thể về đối tượng được tham gia. Các tiêu chí này sẽ được đưa ra trong quá trình thực hiện dự án sắp tới, thông qua các hội thảo tham vấn”, ông Cường nói.