ThienNhien.Net – Phân tích những tồn tại trong thu mua lúa gạo tạm trữ và xuất khẩu, TS. Lê Văn Bảnh nói thêm rằng: “Hiện nay chúng ta có khoảng 100 đơn vị xuất khẩu, đa phần trong số đó là các doanh nghiệp con của hai Tổng công ty lương thực Nam và Bắc”.
Phân tích về những bất cập trong chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo Chính phủ đang thực hiện với mục tiêu nông dân được lãi ít nhất 30%, nhưng thực tế không xảy ra điều đó, mà lãi chủ yếu đổ vào doanh nghiệp còn nông dân không được hưởng lợi là bao, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Trước tiên phải khẳng định chương trình này là chủ trương rất đúng đắn, ý đồ tốt, nếu thu mua đúng thời điểm, giá lúa nhích lên bà con nông dân được hưởng lợi, ít ra không được lãi 30% như định hướng của Chính phủ nhưng cũng có. Tuy nhiên, khi thực hiện còn nhiều bất cập.
Thứ nhất, thời điểm thu mua, vì ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu như thu hoạch lúa quanh năm, việc thu hoạch không cùng thời điểm ở các địa phương. Trong khi chương trình thu mua chỉ tính bình quân, nên có nơi thu hoạch đúng thời điểm thực hiện chương trình thì nông dân được, còn trước hoặc sau đó thì không được gì.
Thứ hai, việc giao cho doanh nghiệp thu mua trong khoảng 1 tháng, với số lượng 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn thóc), trong khi ở ĐBSCL vụ hè thu sản lượng khoảng 9 triệu tấn thóc, đông xuân khoảng 11 triệu, nên số lượng tạm trữ không đáng bao nhiêu so với sản lượng thu hoạch. Khi chính vụ thu hoạch, lượng lúa nhiều đáng lẽ doanh nghiệp phải thu mua tạm trữ ngay, nhưng thực tế họ chỉ mua dần dần, vì đầu ra chưa có, kho trữ có vấn đề, và đặc biệt là để giá lúa không tăng quá cao. Vì vậy, nhiều bà con không đợi được, họ cần vốn để sản xuất tiếp nên chấp nhận bán giá thấp.
Thực chất việc thu mua tạm trữ giúp giá lúa không giảm thêm là may, hoặc nhích lên chút đỉnh, nhưng để nói nông dân có lãi thì khó, chỉ không lỗ thêm.
Thứ ba, nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất vay, còn để doanh nghiệp lời ăn, lỗ chịu, nên doanh nghiệp phải đắn đo, tính toán. Thành ra họ chỉ mua dần dần để giá lên chậm, mua được gạo giá rẻ, giá càng tăng chậm thì doanh nghiệp càng lãi. Doanh nghiệp đâu quan tâm người dân lãi bao nhiêu, chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh có lãi của mình, làm sao mua càng rẻ lãi càng cao.
Thứ tư, việc nhà nước trao hết quyền phân phối chỉ tiêu xuất khẩu lúa gạo cho Hiệp hội lương thực (VFA) khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc, vì VFA không phối hợp với địa phương, phân chỉ tiêu xuất khẩu cho các thành viên không căn cứ thực tế, tỉnh ít lúa được phân nhiều, tỉnh nhiều lúa lại nhận được số lượng xuất khẩu ít, nên chưa có công bằng.
Theo như tôi biết, số tiền lãi suất nhà nước hỗ trợ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa trong 3 tháng là khoảng 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chương trình giá bán của người dân có nhích lên 1-2 trăm đồng/kg, nhưng nhiều nơi vẫn bán dưới giá thành sản xuất.
PV – Có ý kiến cho rằng, tuy nói tạm trữ 3 tháng, nhưng thực chất các doanh nghiệp mua về không trữ mà tìm cách xuất bán ngay, sau đó quay về mua đợt hàng mới để tranh thủ nguồn vốn rẻ, và vì có vốn rẻ nên sẵn sàng mua rẻ, bán vẻ vãn có lãi lớn, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Lê Văn Bảnh: Điều đó cũng có, thậm chí có doanh nghiệp tranh thủ lúc nguồn gạo rẻ để mua trước thời điểm Chính phủ công bố hỗ trợ thu mua tạm trữ, sau đó khi tổng kết chương trình sẽ báo cáo đã mua số lượng bao nhiêu để nhận tiền hỗ trợ. Như vừa rồi bắt đầu thu mua từ 15/7 thì từ trước đó – tháng 6 đầu tháng 7 một số đơn vị đã gom gạo rồi và báo lên nhận hỗ trợ.
PV – Nhiều chuyên gia nói có tình trạng độc quyền trong xuất khẩu, khi các công ty xuất khẩu đều thuộc Tổng công ty lượng thực miền Nam hoặc Bắc, nên không có sự cạnh tranh trong thu mua lúa gạo, mà cùng ép giá nông dân, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Lê Văn Bảnh: Xuất khẩu gạo hiện nay của ta đang đi ngược chiều thế giới, các nước họ cạnh tranh giá cao với chất lượng gạo tốt, nhưng doanh nghiệp của ta thì lại đi cạnh tranh giá rẻ, gạo chất lượng thấp. Dù sao doanh nghiệp vẫn không lỗ, vì anh bán thấp thì mua thấp, thiệt đâu nông dân chịu.
Muốn hiệu quả, các bên cùng có lợi thì doanh nghiệp phải tham gia quá trình sản xuất, đặt hàng người nông dân, nhà khoa học theo tiêu chuẩn của khách hàng… nhưng hiện nay doanh nghiệp chỉ là đơn vị thu gom và xuất khẩu, người nông dân thích trồng gì cứ trồng, doanh nghiệp thu mua rồi trộn lẫn với nhau bán giá thấp, miễn sao có lãi.
Tóm lại là có độc quyền, trước nay có quota trong tay anh thì anh muốn cho ai, cho bao nhiêu thì cho. Tới khi nào còn tồn tại như kiểu bao cấp thì còn nhiều vấn đề. Nên có công ty tham gia sản xuất gạo theo tiêu chuẩn của khách hàng, ra sản phẩm rồi đi xen quota để xuất khẩu lại không được cấp, hoặc chỉ cấp cho một số lượng ít, số còn lại san cho doanh nghiệp khác, nhưng khách hàng họ không mua của đơn vị khác vì không biết chất lượng thế nào, thành ra hợp đồng phải hủy, doanh nghiệp làm ra hạt gạo tốt phải gánh thiệt hại.
PV – Theo ông, có hay không các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn do bị hạn chế trong xuất khẩu gạo, thậm chí có công ty đầu tư suản xuất, tìm được khách hàng, nhưng không được phép xuất khẩu, buộc phải san sẻ, hoặc bán lại sản phẩm cho danh nghiệp có quota xuất khẩu với giá thấp?
TS. Lê Văn Bảnh: Nếu cho tư nhân tham gia sản xuất, cho họ tự tìm kiếm khách hàng là họ kiếm được, nhưng có được phân chỉ tiêu xuất khẩu hay không lại là chuyện khác.
Như Công ty bảo vệ thực vật An Giang, họ đầu tư tiền cho sản xuất lúa, mời chuyên gia Nhật sang cùng chỉ dẫn cho nông dân làm, làm ra hạt gạo đúng tiêu chuẩn Nhật, với 593 chỉ tiêu, phía đối tác Nhật sẵng sàng mua gạo đó giá cao, nhưng công ty này lại không có chỉ tiêu xuất khẩu, sau xin mãi mới được phép bán đâu 25.000 tấn theo diện hợp tác song phương.
PV – Tình trạng trên đã nhiều năm nhưng không được thay đổi, vậy theo ông phải chăng đang có sự độc quyền xuất khẩu gạo kể trên để phục vụ nhóm lợi ích nào đó?
TS. Lê Văn Bảnh: Cái đó cũng khó nói, vì mình không có cơ sở gì. Nhưng hiện nay chúng ta có khoảng 100 đơn vị xuất khẩu thì đa phần trong số đó là các doanh nghiệp con của hai Tổng công ty lương thực Nam và Bắc.
PV – Xin cảm ơn ông!