ThienNhien.Net – Những ngày gần cuối tháng 7-2013, chúng tôi có dịp tiếp cận vùng đồi cát Thiện Ái nằm ven tuyến đường du lịch Mũi Né – Hòa Thắng ĐT 716, thuộc thôn Hồng Hải, xã Hòa Thắng và xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận. Thiện Ái là một trong số ít mỏ giàu trữ lượng titan (Ilmenit, Zircon) của tỉnh Bình Thuận đã thu hút 5 doanh nghiệp vào khai thác trong 5 năm qua. Đến nay giấy phép khai thác đã hết hạn, các doanh nghiệp rút đi, để lại những hố sâu giữa đồi cát trắng.
Nham nhở hố khai thác titan
Đứng trên đồi cao phía ngoài đường lộ ĐT 716, đập vào mắt chúng tôi là những đồi cát bị khai thác nham nhở nối tiếp nhau. Khu vực đầu tiên do Công ty cổ phần (CP) Đường Lâm khai thác có một hố rộng chừng 1ha, vừa được doanh nghiệp san lấp và trồng những hàng dương nhỏ trên phần nửa diện tích ấy. Gần đó, 3 hố khác của công ty này cũng vậy, hoàn thổ thấp dần và trồng cây chỉ mức tương đối… Tiếp đó là phần đất rộng gần 7ha do Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Sao Mai khai thác. Địa hình không mấy bằng phẳng, mỗi hố khai thác ở đây sâu, rộng 1 – 1,5ha đang được hoàn thổ, bờ thoải khoảng 35 độ. Doanh nghiệp trồng dương một nửa khu vực bên dưới. Tuy nhiên, chúng tôi đi vào phía bên trong còn nhìn thấy một hố sâu hoắm chưa được san lấp, hạ độ cao; hố này nằm giáp ranh với khu vực rộng lớn 360 ha thuộc dự án khác do Công ty Sao Mai đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thẩm định cấp phép…
Giáp ranh xã Hòa Thắng, phía trên những đồi cát cao hơn thuộc địa phận xã Hồng Phong, Công ty CP Khoáng sản Đô Thành để lại các hố sâu hơn 15m, đến nay chưa hoàn thổ, trồng cây, bỏ lại hiện trường khai thác sau khi rút hết máy móc tuyển quặng. Cách đây hơn tháng, một con bò của người dân xã Hòa Thắng bị trượt xuống vực này, mấy ngày sau bà con phát hiện được thì nó đã chết. Con đường đất sỏi vào vùng sản xuất ở Thiện Ái được Chương trình 135 đầu tư ngang qua khu vực khai thác titan Công ty Đô Thành đã bị hư hỏng từ lâu… Nằm ở lãnh địa sau cùng, Công ty CP Dương Anh cũng bỏ lại khu vực moong khai thác nham nhở, hoang tàn; hầu như chưa có động tác hoàn thổ. Đứng trên đồi cao, một cán bộ xã Hòa Thắng cho biết: “Công ty Dương Anh mới đem vào hai chiếc máy xúc, ủi dưới hố moong đối phó đoàn kiểm tra của Sở TN-MT. Các hố sâu này như chiếc bẫy rình rập đối với người dân khi đi qua khu vực này”.
Còn phía bên trên các hố vừa khai thác xong chưa bao lâu, những đồi cát trắng xóa dọc theo con đường nhựa ven biển phía dưới lại vắng bóng cây trồng, chỉ thấy những hàng dương nhỏ xíu ở khu vực Công ty Sao Mai đang cố vươn lên trên cát. Tuy nhiên, cái nắng khô khốc vùng này đã làm không ít thân dương khô héo, ngả nghiêng trên cát, phơi những bịch ni lông bao quanh phần chùm rễ non khô… Anh Mai Ngọc Tuấn, Bí thư Đoàn xã Hòa Thắng, đi cùng chúng tôi không khỏi băn khoăn: “Những đồi cát ven biển này đang thiếu cây xanh bao phủ, nên về mùa bấc gió thổi mạnh làm không ít cát bụi bay xuống đường. Cách đây hơn năm trước, trong lần mưa bão, đồi cát bị sạt lở tràn qua kè chắn cát bên dưới làm tắc nghẽn đường ĐT 716 một ngày…
Cố tình trì hoãn hoàn thổ môi trường
Ngày 1-8-2012, UBND Bình Thuận ban hành Quyết định số 1473 áp dụng hình thức buộc hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản titan đúng theo thời hạn quy định đối với Công ty CP Khoáng sản Đô Thành. Tuy nhiên, Tổ giám sát 43 Sở TN-MT Bình Thuận cho biết, sau nhiều tháng liền, Công ty CP Khoáng sản Đô Thành chỉ đưa 2 – 3 thiết bị lại thường xuyên hỏng hóc nằm ở hố moong, nên việc san lấp hoàn thổ cầm chừng, ì ạch, kéo dài thời gian. Hơn 5 tháng nay, công ty này đã dừng hẳn công việc san ủi, không tiếp tục thực hiện san lấp hoàn thổ, hoàn phục môi trường. Xem ra công ty này đang phớt lờ Quyết định số 1473 UBND tỉnh!
Còn với Công ty CP Dương Anh, UBND tỉnh phê duyệt quyết định đề án đóng cửa mỏ Ilmenit – Zircon tại xã Hồng Phong từ 6-9-2012, thời hạn hoàn phục môi trường đến cuối năm trước. Sau đó, công ty có công văn số 38 xin gia hạn hoàn thành đóng cửa mỏ sang tháng 4-2013. Nhưng một thời gian dài, công ty cũng chỉ điều động 2 – 3 máy móc san ủi cầm chừng; đến cuối tháng 5 vừa qua, Dương Anh không hoàn thành san ủi mặt bằng bãi thải, bãi moong; chưa tháo dỡ lán trại, chuyển phương tiện khai thác ra khỏi khu vực. Công ty cố tình kéo dài thời gian hoàn thổ, trồng cây theo đề án cam kết hoàn phục môi trường…
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh, đến nay giấy phép khai thác khoáng sản titan của 5 doanh nghiệp khác cũng đã hết hạn. Theo quy định, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động phải làm đề án đóng cửa mỏ, hoàn phục môi trường trước 50 ngày. Do đó, những đơn vị này cần được các ngành chức năng phối hợp giám sát chặt chẽ trong thời gian hoàn thổ, trồng cây xanh khu vực khai thác, tái tạo màu xanh cho môi trường…
Bình Thuận có 15 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh cấp 22 giấy phép khai thác khoáng sản titan. Đến tháng 4-2013, chỉ có 5 doanh nghiệp giấy phép còn hạn hoạt động; gồm 4 công ty TNHH (Phú Hiệp, Thương mại Đức Cảnh, Đầu tư Sài Gòn, Thương mại Tân Quang Cường) và Công ty CP Khoáng sản Thương mại Bình Thuận. |