ThienNhien.Net – Trước nhu cầu bức thiết về đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo bóc tách đất các lâm trường để cấp cho dân. Nhưng chính sách liệu có hiệu quả khi đất được giao nằm trên núi cao, bà con lại không có vốn, kiến thức làm ăn?
Đồng bào cần đất sản xuất
Chưa bao giờ vấn đề đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Quảng Bình lại “nóng” như thời gian từ đầu năm 2012 đến nay. Ở gần rừng nhưng không có đất sản xuất, hầu hết đất rừng đều của các lâm trường. Đời sống đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng người dân chặt phá rừng hoặc xâm canh đất các lâm trường, gây mất ổn định an ninh khu vực biên giới.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các ngành phối hợp với các công ty lâm công nghiệp bóc tách để giao đất cho bà con. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nêu rõ quan điểm, “không thể để bà con gần rừng mà không có đất sản xuất, trong khi nhiều lâm trường “ôm” đất nhiều làm không hết; muốn bà con tạo lập đời sống, muốn bảo vệ tốt biên giới thì phải giao đất sản xuất cho bà con”.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình Lê Minh Ngân cho biết, năm 2012, Sở đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Bình thu hồi 3.460 ha đất lâm nghiệp giao cho các hộ dân. Tinh thần là “giao đất khu vực dễ trước, khó sau; khu vực khó khăn không có kinh phí đo đạc, sẽ giao đất thực địa cho dân sản xuất trước, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau”.
Tại Ngân Thủy, một trong ba xã vùng sâu biên giới của huyện Lệ Thủy, đến giữa tháng 7, UBND tỉnh Quảng Bình đã thu hồi 457 ha đất lâm trường. UBND huyện Lệ Thủy giao đất thực địa cho 88 hộ dân để sản xuất, đồng thời phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 50 ha, để bố trí nơi ở mới cho 25 hộ dân bản Đá Còi và một số hộ có nguy cơ ngập lụt ở các bản của xã.
Anh Hồ Mừng ở bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy được Nhà nước giao cho gần 2 ha đất trồng rừng, “mừng lắm, đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống để trồng rừng trong năm nay”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho biết, toàn huyện nhận từ các công ty lâm nghiệp 2.300 ha đất để giao cho người dân. Tuy nhiên, so với việc giao đất trên hồ sơ thì giao đất trên thực địa khó khăn hơn nhiều do địa hình rừng núi, kinh phí cho việc làm này quá ít ỏi, cán bộ chuyên môn thiếu mà còn phải giải quyết các công việc hàng ngày nên tiến độ giao đất còn chậm.
Huyện ủy, UBND huyện đang chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này sớm cho bà con.
Có hiệu quả?
Theo đánh giá, đất lâm nghiệp thuộc sự quản lý của các công ty lâm công nghiệp tại Quảng Bình trong những năm qua cơ bản phát huy được hiệu quả, ngoại trừ một số diện tích có địa hình quá khó khăn, vốn đầu tư lớn nên nhiều đơn vị… buông xuôi.
Tại Quảng Bình, mô hình quản lý, bảo vệ rừng của Công ty lâm công nghiệp Long Đại trở thành hình mẫu toàn quốc sau khi thực hiện chuyển đổi nông – lâm trường theo chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằng nếu không có các giải pháp hỗ trợ tích cực cho người dân thì sau khi rà soát, bóc tách giao lại hàng nghìn héc-ta đất cho các địa phương quản lý, sử dụng sẽ rất khó mang lại hiệu quả bởi nhiều lý do.
Trước hết, một số địa phương đề nghị thu hồi những diện tích gần khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất nhưng thực tế diện tích này các lâm trường đã đầu tư trồng rừng, sản xuất mang lại hiệu quả cao nên không thể giao lại cho người dân.
Diện tích đất đã giao phần lớn trên núi cao, khe suối, xa đường, muốn trồng rừng phải làm đường để đưa máy lên đào hố, vận chuyển cây giống.
Nếu với một lâm trường hoặc công ty lâm công nghiệp, việc làm này không khó nhưng với một hộ đồng bào DTTS chắc chắn không thể làm được.
Bởi thế, có ý kiến cho rằng tại sao Nhà nước không giao đất sản xuất “bờ xôi ruộng mật” (đất tốt, địa hình thuận lợi) mà giao những nơi lâm trường khó khăn thì đồng bào cũng chẳng làm gì được, nhận đất cũng để cho vui!?
Mặt khác, số hộ đồng bào DTTS ở Quảng Bình biết đầu tư trồng rừng, có thu nhập từ rừng trồng là không nhiều. Các chương trình như 134, 135 đều có hợp phần giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhưng không nhiều gia đình chọn đây làm hướng phát triển kinh tế để ổn định đời sống.
Thậm chí, đã có nhiều trường hợp lén lút bán đất được giao để lấy tiền bị phát hiện, xử lý.
Tại nhiều bản, đất sản xuất bằng phẳng, tốt tươi ngay đường đi nhưng không trồng cây, vẫn yêu cầu giao đất để trồng rừng. Bản Nà Lâm ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh là một thí dụ.
Cuối năm 2012, dân bản kiến nghị chính quyền thu hồi đất lâm nghiệp đã giao cho Công ty Hồng Đức trồng cao su để sản xuất. Trong khi đó, vùng đất diện tích hơn 3 ha trước bản thì cỏ mọc ngút ngàn. Hỏi tại sao không trồng cây, già Hồ Xe nói, “đất đó để dành, trồng cây sau, chừ đi kiếm đất trồng rừng đã”.
Mặc dù UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định thu hồi hơn 12 ha đất lâm nghiệp đã giao cho Công ty CP Hồng Đức thuê trồng cao su để giao lại cho 12 hộ đồng bào Vân Kiều ở bản Nà Lâm nhưng bà con hiện vẫn chưa nhận được đất do việc định giá phần đầu tư hạ tầng để đền bù cho doanh nghiệp của huyện Quảng Ninh chưa xong nên đất chưa bóc tách, cắt trả.
Theo thông tin bước đầu từ các địa phương, trên toàn bộ diện tích đất giao cho đồng bào DTTS sản xuất từ năm 2012 đến nay, chưa có hộ nào tiến hành phát quang, mua cây giống để trồng rừng. Điều đó cho thấy, việc đầu tư trồng rừng trên diện tích được giao đối với bà con là không dễ nếu không có sự hỗ trợ từ phía chính quyền.
Đáng chú ý, phần lớn diện tích bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý đều là đất rừng kiểu đặc trưng IA, IB hoặc rừng sản xuất trạng thái IC (có nhiều cây thân gỗ, có thể khoanh nuôi tái sinh). Nếu không quản lý, sử dụng hiệu quả dễ dẫn đến việc phá rừng.
Trong khi đó, diện tích sau bóc tách giao để cho người dân nằm xen kẽ trong diện tích rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất do nhà nước và các công ty lâm công nghiệp quản lý.
Có thể nói, việc thu hồi đất của các nông – lâm trường để giao cho đồng bào DTTS sản xuất là việc làm hết sức cần thiết. Thế nhưng cần có biện pháp hỗ trợ đồng bào sản xuất bằng đề án, chương trình cụ thể; đồng thời tăng cường quản lý tránh tình trạng lợi dụng việc giao đất nhằm phá rừng hoặc chuyển nhượng đất rừng trái phép như đã từng xảy ra.