ThienNhien.Net – Việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt trên địa bàn các tỉnh miền trung đang bộc lộ nhiều bất cập… Làm thế nào gìn giữ văn hóa và bảo đảm sinh kế lâu dài cho dân tái định cư (TÐC) và từng bước đầu tư xây dựng những mô hình TÐC mang tính bền vững?
Hệ lụy mang tên… tái định cư
Chở chúng tôi bằng xe máy vào khu TÐC thôn 5, 6, phải qua nhiều con dốc dựng đứng, đường đất gồ ghề, lồi lõm sỏi đá sau những trận mưa rừng, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) kể: Ngày dân mới lên đây, có tiền đền bù, bà con mua sắm đủ thứ. Ðất rẫy theo định mức mỗi hộ từ 1,5 đến 1,8 ha, nhưng Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (BQLDATÐ) chi bằng tiền mà không giao đất. Tiền giờ đã tiêu hết mà đất lại không có, nhiều hộ như Hồ Văn Ác, Hồ Thị Don nay sống chủ yếu nhờ trợ cấp…
Không chỉ người dân ở Trà Bui không có đất sản xuất mà các khu TÐC khác của TÐ Sông Tranh 2 (TÐST2) ở Trà Ðốc, Trà Giác (Bắc Trà My) và Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Sau gần 5 năm di dời TÐC, hàng chục hộ dân bỏ nhà TÐC đi tìm nơi khác làm ăn, sinh sống vì không có đất sản xuất, không có nước sinh hoạt và các công trình hỗ trợ an sinh đều xuống cấp trầm trọng, dẫn đến tình trạng “trở đi gặp núi, trở lại gặp sông”. Nỗi khổ mang tên “tái định cư” hiển hiện với những dãy nhà chơ vơ trên sườn núi, mang theo bao phận người nghèo khó và bất an, chịu nhiều tổn thương.
Tìm hiểu thực tế đời sống người dân TÐC công trình TÐST2 thấy rằng, BQLDATÐ 3 đã thực hiện quy trình ngược. Ðó là sau khi ổn định chỗ ở cho bà con, chủ đầu tư mới đặt vấn đề tìm đất sản xuất cho dân với mức bình quân từ 1,5 đến 1,8 ha/hộ. Tuy nhiên, trên thực tế không tổ chức khai hoang đất sản xuất cho dân mà “chỉ cần” sự đồng tình của chính quyền huyện, chủ đầu tư (CÐT) đã thỏa thuận trả bằng tiền mặt để dân tự tìm đất, khai hoang.
Quy trình ngược thứ hai, sau gần ba năm đưa dân lên TÐC, chủ đầu tư mới triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ, cắm mốc ranh giới các khu đất sản xuất, kiểm kê lập phương án bồi thường, thu hồi 1.036 ha đất để cấp cho dân. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa, ngành chức năng mới phát hiện, hầu hết diện tích được thống kê là rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Tranh. Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui xác nhận, theo thống kê đến cuối năm 2012, người dân đã phá hơn 70 ha rừng phòng hộ Sông Tranh. Ngoài ra, một lượng lớn gỗ bị dân vào chặt trộm, phần để làm thêm nhà cửa, phần để mưu sinh.
Ðể xây dựng công trình TÐ A Vương (năm 2004), BQLDATÐ 3 khẩn trương triển khai xây dựng bốn khu TÐC, di dời gần 1.000 hộ dân hai huyện Ðông Giang và Tây Giang. Ngay từ khi triển khai, do thiếu sâu sát, không quan tâm đến tập tục sinh hoạt của người dân, BQLDATÐ 3 chỉ làm việc với cán bộ huyện và xã, tự chọn địa điểm TÐC, xây nhà cho dân theo khuôn mẫu định sẵn. Xây xong, hàng trăm ngôi nhà sàn bằng bê-tông, tường gạch, mái lợp tôn, giống nhau theo kiểu “nhà ống” ở đô thị, san sát từng dãy chênh vênh trên sườn dốc. Nhất là do chọn đất có độ dốc lớn, kém màu mỡ, lại không có hệ thống thủy lợi nên không thể gieo trồng được làm cho các khu TÐC trở nên hoàn toàn xa lạ với tập quán sinh hoạt, ăn ở, đi lại, sản xuất, chăn nuôi… của người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Vì vậy, đời sống người dân khó khăn kéo dài gần bảy năm nay, BQLDATÐ 3 và chính quyền địa phương phải tiếp tục cấp gạo cứu đói cho dân. Thực tế đời sống người dân ở A Vương, TÐST2 cũng là tình trạng chung ở 11 khu TÐC cho dân vùng lòng hồ TÐ ở tỉnh Quảng Nam hiện nay.
Không riêng gì ở Quảng Nam, người dân Thừa Thiên – Huế rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ”, điêu đứng vì TÐ. Thủy điện Bình Ðiền là công trình TÐ trọng điểm, sau hơn bốn năm hoạt động, ngoài những tác động tích cực là bổ sung một lượng điện đáng kể cho lưới điện quốc gia, giảm lũ chính vụ cho vùng hạ du… Tuy nhiên, công trình đã gây nhiều hệ lụy cho người dân địa phương. Ðã gần bảy năm kể từ ngày về nơi ở mới để nhường chỗ cho công trình TÐ Bình Ðiền, 55 hộ dân trong khu TÐC Bồ Hòn, xã Bình Thành (Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) vẫn chưa hết khó khăn, hầu hết thiếu việc làm, không có đất canh tác.
Ông Nguyễn Văn Thương, Thôn trưởng khu TÐC Bồ Hòn bức xức: Từ khi về đây, đời sống giảm sút rất nhiều. Nhà có chín miệng ăn, đất vườn được hai sào, đất sản xuất không có, đất trồng rừng thì được 1 ha, làm sao mà “an cư lập nghiệp” được? Các hộ dân TÐC tái nghèo ngày càng cao.
Nhân rộng mô hình bền vững
Khu TÐC thôn 2, xã Tà Pơ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) nằm trên độ cao gần 1.000 m, chỉ cách biên giới Việt – Lào khoảng mấy cây số. Ðây là khu TÐC xen ghép với thôn Pa Păng, gồm 53 hộ dân vùng lòng hồ TÐ Sông Bung 4. Khác với các TÐ khác, TÐ Sông Bung 4 được chính quyền hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ADB cam kết sẽ cùng chủ đầu tư đồng hành trong suốt quá trình xây dựng và hỗ trợ bồi thường cho người dân vùng TÐC.
Ông Ta-ka-phu-mi Ka-đô-nô chuyên viên của ADB, tham gia giám sát trực tiếp dự án cho biết: Vấn đề TÐC nếu không được tham vấn và không đi theo đúng quy trình tìm hiểu, lắng nghe thì sẽ gây ra rất nhiều điều bất cập về sau. Ðể sinh kế lâu dài thì phải tạo cho bà con cái “cần câu” chứ không phải chỉ cho “con cá” rồi thôi…
Với cơ chế giải trình minh bạch, ADB đã có một cuộc khảo sát để lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Kết quả sẽ được công bố trong các cuộc họp của thôn đến khi người dân đồng tình mới đưa ra tham vấn cho chủ đầu tư. Từ kinh nghiệm ở Pa Păng, các địa phương tiếp tục phối hợp chủ đầu tư khẩn trương triển khai ba khu Pa Rum A, Pa Rum B và Pa Ðhi, chuẩn bị đưa hơn 190 hộ dân vùng lòng hồ TÐ Sông Bung 4 vào sinh sống ổn định.
Những hậu quả nặng nề mà các khu TÐC thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền trung để lại không thể khắc khục một sớm một chiều. Tuy nhiên, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần sớm rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm, yếu kém để xây dựng các mô hình TÐC thành công bước đầu như ở Nam Giang, Tây Giang… Chứng tỏ, việc ổn định và phát triển bền vững các khu TÐC cho dân vùng lòng hồ TÐ ở miền trung nói riêng không phải không làm được. Một khi tâm tư nguyện vọng của nhân dân đã nhường đất xây công trình TÐ được tôn trọng, quy trình TÐC thực hiện đúng quy định của Chính phủ thì tất yếu, đời sống người dân TÐC thủy điện sẽ sớm ổn định và phát triển bền vững.
Bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu – tư vấn quản lý tài nguyên Thừa Thiên – Huế: Ða số các dự án TÐ khi thực hiện chỉ đánh giá tác động về môi trường chứ chưa chú ý đến tác động xã hội, nhất là phần sinh kế cho người dân các khu TÐC. Là những người phải hy sinh mảnh đất của mình cho điện lưới quốc gia, họ xứng đáng được quan tâm đúng mức hơn. |