Xăng sạch bị … ế

ThienNhien.Net – Được kỳ vọng là nguyên liệu thay thế các loại xăng dầu hiện nay nhằm bảo vệ môi trường cũng như những hợp lý trong tính kinh tế, song những gì diễn ra lại đang đi ngược với những kỳ vọng được dành cho xăng sinh học E5.

Lác đác vài nhà máy sản xuất

Theo lộ trình, đến cuối năm 2014, ít nhất 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng Tàu… xăng E5 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh. Từ ngày 1-12-2015, tiêu thụ xăng E5 trên toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam phải sản xuất và đưa vào sử dụng ít nhất 5% nhiên liệu sạch.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các nhà máy sản xuất loại xăng này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện mới chỉ có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu xăng sinh học đi vào hoạt động. Song, hầu hết các nhà máy hoạt động rất “từ tốn”, cầm chừng, có nhà máy đã phải ngưng hoạt động vì thua lỗ. Nhà máy sản xuất Ethanol Đồng Xanh- Quảng Nam công suất 130 triệu lít/năm đi vào hoạt động từ 2011, nhưng đến cuối năm 2012 đang tạm dừng sản xuất. Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước có công suất kế 100 triệu lít/năm, đi vào hoạt động từ tháng 4-2012, đến quý I-2013 cũng đã phải tạm ngưng.

Những nhà máy hiện vẫn đang hoạt động như nhà máy sản xuất Ethanol sinh học (Dung Quất – Quảng Ngãi) với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất Ethanol Đại Việt- Đắc Nông có công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; Nhà máy sản xuất Ethanol Tùng Lâm – Đồng Nai công suất thiết kế 70 triệu lít/năm hoạt động từ 2011; Nhà máy sản xuất Bioethanol (Đắc Tô – Kon Tum) với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm thì hoạt động ở tình trạng cầm chừng…

 

Ảnh: kcdaklak.gov.vn/
Ảnh: kcdaklak.gov.vn/

Giải bài toán “khó tiêu thụ”

Nguyên nhân được nhiều DN sản xuất ethanlol cho hay, chủ yếu là bởi giá thành, chi phí để sản xuất loại xăng này khá lớn. Con số thống kê cho biết, đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất xăng sinh học của cả nước đạt 535 triệu lít/năm, đây chỉ là một con số rất nhỏ đối với nhu cầu của thị trường về nhiên liệu hiện nay, thế nhưng nghịch lý là con số rất nhỏ này lại vẫn không thể tiêu thụ nổi. Theo tính toán của các chuyên gia, giá sắn nguyên liệu năm 2012 ở mức 4.000- 4.700 đ/kg. Nếu mỗi lít Ethanol cần khoảng 2,4 kg sắn lát thì riêng giá vốn cho nguyên liệu chính đã là 11.280 đồng, cộng thêm các chi phí khác cho điện, khấu hao máy móc, lương lao động… giá thành làm ra một lít Ethanol khoảng 18.000-19.000 đồng. Đây là lý do chính khiến cho các DN lâm cảnh thua lỗ.

Các chuyên gia cho rằng, để lộ trình sử dụng xăng sinh học E5 và E10 được thực hiện đúng tiến độ, rất cần có chính sách dài hạn cho DN yên tâm đầu tư sản xuất, trong đó có việc miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối năng lượng sinh học trong nước chưa sản xuất được; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5. Chỉ khi được hỗ trợ, các DN sản xuất xăng sinh học mới có cơ hội cạnh tranh về giá với các thị trường xăng dầu truyền thống.