ThienNhien.Net – Chỉ trong thời gian ngắn, một “con đê” đã hình thành chia cắt mặt nước hồ Tây, gây hồ nghi trong dư luận.
Nhiều người dân quan tâm đến thiên nhiên, thắng cảnh hồ Tây đã đặt ra câu hỏi về sự “chia cắt” của mặt nước hồ Tây. Để tìm câu trả lời cho những thắc mắc mà đông đảo bạn đọc quan tâm, chúng tôi đã ghi nhận hiện trạng thực tế tại khu vực công trường liên quan đến hồ Tây, đang diễn ra tại khu vực phố Nhật Chiêu, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý hồ Tây cho biết: “Đây là dự án nạo vét lòng hồ Tây. Việc đắp “đê quai” như đang có là quy trình kỹ thuật thi công đối với việc nạo vét bùn. Về nguyên tắc phải có những âu tạm như vậy để máy múc vận chuyển bùn dưới lòng hồ chứa tạm vào đó, sau khi nước trong bùn khô ráo sẽ được vận chuyển đến nơi đổ đã quy định ở huyện Đông Anh. Quy trình này sẽ hạn chế tối đa việc vận chuyển gây ảnh hưởng đến môi trường và ATGT. Đối với mặt nước, sau khi công trình xong sẽ hoàn lại mặt nước như hiện trạng ban đầu cho mặt hồ”- ông Tuấn khẳng định.
Đây là địa điểm được lựa chọn để thuận lợi cho công việc vận chuyển bùn đất cũng như các công đoạn xử lý môi trường. Dự án nạo vét lòng hồ Tây, khu vực đầm Bẩy, có chủ đầu tư là Ban quản lý hồ Tây, theo quyết định số 3193/QĐ-UBND ngày 31-10-2012 của UBND quận Tây Hồ về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nạo vét lòng hồ Tây khu vực đầm Bẩy (phố Nhật Chiêu, phường Nhật Tân). Công trình khởi công ngày 28-6-2013, và hoàn thành sau 240 ngày kể từ ngày khởi công.
Theo ông Tuấn, hồ Tây với diện tích khoảng 530 ha, với hàng trăm cống xả thải của tự phát và 2 hệ thống cống thoát nước quy mô đều đổ ra mặt nước hồ. Thế nhưng việc nạo vét quy mô và lấy lại độ sâu cho mặt nước bằng cách múc bùn thì đây là lần đầu tiên thực hiện.
Dự án nạo vét lòng hồ Tây đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Sở TNMT Hà Nội và các cơ quan liên quan. Về mặt pháp lý và yêu cầu về điều kiện an toàn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong quá trình thực hiện đã được các cấp có thẩm quyền đánh giá, phê duyệt. Đây là dự án nhằm cải thiện tích cực cho môi trường lòng hồ Tây.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, dự kiến sau khi hoàn thành việc nạo vét lòng hồ, sẽ di chuyển các thuyền, nhà nổi từ phía vườn hoa về khu vực này. Đây là số thuyền, nhà nổi của “lịch sử” và hiện đã và đang kinh doanh trên khu vực hồ Tây, gần vườn hoa Mai Xuân Thưởng, chứ không phải là những tầu thuyền, nhà nổi được đóng mới. Tuy nhiên, việc này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và được sự cho phép của cơ quan chức năng.