ThienNhien.Net – Ngày 25/7, tại Nghệ An, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn phòng tránh lũ quét, lụt bão cho các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và 28 tỉnh, thành phố ven biển.
5 năm trở lại đây, trung bình hằng năm thiên tai làm chết và mất tích gần 400 người, gây thiệt hại về vật chất ước tính gần 16.000 tỷ đồng. Mưa lũ, lũ ống, lũ quét là các loại hình thiên tai gây hậu quả nặng nề nhất. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, nước ta chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 169 trận mưa đá, lốc xoáy, làm 69 người chết, 194 người bị thương, ước tính thiệt hại vật chất gần 2.400 tỷ đồng.
Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông sẽ xuất hiện từ 9-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, một nửa trong số này có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Tập trung phân tích, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão tại địa phương, các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, vì vậy, cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch; ưu tiên nguồn vốn nhằm hỗ trợ kinh phí sớm hoàn thành các dự án công trình nâng cấp đê kè, hồ đập, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc di dời dân cư khi thiên tai xảy ra.
Theo ông Đoàn Minh Phương, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Quảng Ninh, ứng phó thiên tai đối với tàu, thuyền và các khu nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển quan trọng nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng phòng chống lụt bão; theo dõi thường xuyên, thông báo kịp thời diễn biến bão, lũ để các chủ phương tiện và người dân chủ động phòng tránh.
Là địa phương chịu nhiều loại hình thiên tai hằng năm, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai ở các cấp, chủ động vận dụng hiệu quả phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng, kết hợp tuyên truyền vận động người dân không chủ quan lơ là trong phòng tránh thiên tai.
Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An, cho biết Nghệ An chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khẩn trương khắc phục với phương châm “4 tại chỗ”.
Kết luận Hội nghị, ông Vũ Văn Thặng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi, Bộ NNPTNT ghi nhận nhờ sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của chính quyền các cấp cũng như người dân, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai đã chuyển từ bị động đối phó sang chủ động “phòng ngừa là chính”, nên thiệt hại về người đã giảm đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy không được lơ là, chủ quan trong ứng phó. Phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ quan tâm thường xuyên đối với các cấp, ban, ngành từ Trung ương đến chính quyền cơ sở. Đặc biệt, phải vận dụng hiệu quả các bài học kinh nghiệm đúc rút trong công tác phòng chống thiên tai trước đó.