ThienNhien.Net – Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM đang khốn đốn với nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Nay nhiều đoạn sông đã đáp ứng độ sâu cần thiết nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép nạo vét
Hiện có khá nhiều dự án mang danh nghĩa duy tu, nạo vét luồng sông Sài Gòn, sông Đồng Nai được các bộ cấp phép đang gây lo lắng, bức xúc cho chính quyền địa phương và người dân sống ven sông. Hàng ngàn hecta đất ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đã trôi tuột xuống nước, nhiều hộ dân có sổ đỏ nhưng đất thì không còn… Trong khi đó từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai từ hạ lưu đập thủy điện Trị An.
Lợi dụng nạo vét để khai thác cát
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc đăng ký tận thu khoáng sản đối với dự án nạo vét, duy tu và cải tạo nâng cấp tuyến luồng thủy nội địa quốc gia sông Sài Gòn.
Dự án do Công ty TNHH Luyện cán thép Hiệp Phát làm chủ đầu tư, được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép và Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Phạm vi thi công đoạn từ cầu Bến Súc đến cầu Phú Cường, dài 16,3 km với khối lượng nạo vét gần 750.000 m3 trong vòng 3 năm.
Theo Sở TN-MT, khu vực của dự án trên thường xuyên xảy ra tình trạng nạo vét, khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông. Mỗi năm, Sở TN-MT phải chi hàng trăm triệu đồng để phối hợp với Công an TP và nhiều ngành chức năng tổ chức kiểm tra, truy bắt các đối tượng khai thác cát lậu nhưng tình hình vẫn không khả quan. Thậm chí, khu vực trường bắn của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tại huyện Củ Chi cũng bị sạt lở do các ghe hút cát lậu.
Mới đây, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT hỗ trợ xử lý các ghe hút cát lậu. Theo nhận định của Sở TN-MT, dự án duy tu và cải tạo của Công ty Hiệp Phát thực chất là lợi dụng danh nghĩa nạo vét để khai thác cát ở khu vực này. Chính vì vậy, để tránh hậu quả xấu cho người dân, Sở TN-MT không đồng ý việc triển khai nạo vét. Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn TP đến năm 2020 là không khai thác cát trên địa bàn TP. Vì vậy, Sở TN-MT không có cơ sở để xem xét việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét của Công ty Hiệp Phát.
Ngoài dự án duy tu sông Sài Gòn, Công ty Hiệp Phát cũng đang tiến hành một dự án nạo vét, duy tu luồng tuyến khác tại sông Đồng Tranh, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ. Dự án đã được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) chấp thuận chủ trương nhưng không cần thực hiện đánh giá tác động môi trường vì công suất nạo vét từ 48.000-49.000 m3/năm (theo quy định, khối lượng nạo vét từ 50.000 m3/năm trở lên mới thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường). Mới đây, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP HCM đã kiểm tra, phát hiện Công ty Hiệp Phát tiến hành nạo vét, tận thu nhưng chưa có văn bản chấp thuận đăng ký khối lượng thu hồi cát, sỏi của các cơ quan chức năng.
Chỉ múc và bán
Là nơi có dòng chính sông Đồng Nai cũng như nhiều sông nhánh, kênh rạch chảy qua, địa bàn quận 9, TP HCM là địa phương có nhiều điểm nóng về sạt lở: hơn 9 ha đất ven sông Tắc đã chìm xuống sông. Vì thế, theo một lãnh đạo UBND quận 9, dự án nạo vét, duy tu của Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước đang thực hiện không khác nào mối họa treo lơ lửng đối với chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là vào mùa mưa lũ. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP HCM đã có văn bản phản đối nhưng dự án vẫn được Bộ GTVT cấp phép nạo vét từ rạch Ông Nhiêu đến cầu Đồng Nai, Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo lý giải của Bộ GTVT, đây là dự án kết hợp tận thu sản phẩm theo hình thức lấy thu bù chi, kinh phí tự huy động, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các sản phẩm trong quá trình nạo vét gồm: cát xây dựng (hơn 1 triệu m3), bùn cát san lấp (hơn 7,1 triệu m3) và bùn sét (1,6 triệu m3) đều có thể làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp với giá bán từ 30.000 – 80.000 đồng/m3. Sở TN-MT TP HCM cho rằng dự án không cần thu gom, xử lý chất thải phát sinh vì thế không tốn bất cứ khoản chi phí nào, tất cả sản phẩm nạo vét được đều bán “tươi” ngay tại công trường để thu lợi.
Một điều khó hiểu khác là Bộ GTVT cho rằng dự án nạo vét lòng sông sâu từ -10 m đến -20 m để phục vụ tàu có tải trọng 10.000 DTW nhưng theo kết quả đo đạc của Sở TN-MT TP HCM, phần lớn lòng sông Đồng Nai chảy qua TP HCM đều sâu dưới -10 m, thậm chí có một số điểm sâu đến -20 m. Cũng chính Bộ GTVT trong quyết định năm 2011, phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ định hướng đến năm 2030 đã xác định: Khu bến cảng trên sông thuộc các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương phục vụ tàu tải trọng 5.000 DTW. Quy hoạch này cũng xác định: Việc cải tạo, nâng cấp luồng tàu, luồng sông Đồng Nai cần giữ nguyên hiện trạng khai thác đoạn từ mũi Đèn Đỏ đến cảng Đồng Nai. Vậy tại sao nay Bộ GTVT lại cấp phép cho doanh nghiệp vét kiệt lòng sông?
Nên công khai đấu thầuTheo một lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM, các dự án nạo vét, duy tu luồng tuyến do Bộ GTVT cấp phép chỉ việc múc bùn cát lên bán, không phải thải bỏ hay xử lý bất cứ sản phẩm nào sau nạo vét, về cơ bản cũng không khác gì một dự án khai thác cát. Thế nhưng, trong khi khai thác cát phải đóng tiền bảo vệ môi trường, đóng tiền ký quỹ phục hồi mỏ theo các quy định về khai khoáng… nhưng vẫn bị cấm thì chỉ cần gắn mác “duy tu, nạo vét”, vừa không bị cấm vừa không cần đóng bất cứ khoản phí nào lại được tiếng thơm “không sử dụng ngân sách”. Nếu cần thiết phải cải tạo luồng tuyến, Bộ GTVT nên công khai đấu thầu thay vì chỉ định chủ đầu tư. |
Kỳ tới: Hậu quả nhãn tiền