ThienNhien.Net – Đắk Lắk là địa phương có nhiều voi rừng nhất nước. Đắk Lắk cũng là tỉnh đã đưa ra các giải pháp hạn chế xung đột giữa người và voi, nhằm góp phần vừa bảo vệ tốt đàn voi rừng vừa tránh thiệt hại về người và tài sản cho đồng bào các dân tộc.
Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào các dân tộc ở gần rừng thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo khi đàn voi rừng về phá hoại hoa màu, các khu dân cư cần gây tiếng động lớn, đánh trống, gõ kẻng, đốt đất đèn để xua đuổi đàn voi.
Trong giai đoạn từ cuối tháng 5 hàng năm trở đi, khi có những cơn mưa đầu mùa và chuẩn bị bước vào sản xuất vụ hè thu, cây cỏ mọc xanh tốt trở lại, cũng là thời điểm voi rừng thường hay về tìm kiếm thức ăn, nên tỉnh nghiêm cấm các hộ gia đình không được ở lại trên nương rẫy.
Tỉnh cũng hướng dẫn các xã có đàn voi hoang dã thường xuyên xuất hiện được thành lập các tổ bảo vệ (mỗi tổ không quá 10 người) làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát sự di chuyển của đàn voi, nắm bắt thông tin báo cáo kịp thời để chính quyền địa phương tổ chức lực lượng xua đuổi đàn voi về lại rừng.
Đắk Lắk cũng hỗ trợ mỗi tổ bảo vệ 20 triệu đồng/ năm để mua các trang thiết bị xua đuổi đàn voi rừng như đèn pin, loa, kẻng, ống đốt đất đèn…, chi hỗ trợ các thành viên trong tổ bảo vệ với mức 2 triệu đồng/người/năm.
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất, hoạt động hợp pháp trong các khu vực trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có voi hoang dã cư trú, di chuyển khi bị voi tấn công gây hại, bị thiệt hại tính mạng, sức khỏe, hoa màu, tài sản thì được Nhà nước xem xét hỗ trợ. Cụ thể như voi rừng làm thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại, người bị voi tấn công gây thiệt hại về sức khỏe thì được hỗ trợ 100% tiền khám, tiền điều trị vết thương, được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với phần (tỷ lệ) sức khỏe bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn, khi bị tử vong thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như đối với người lao động trong các cơ quan Nhà nước bị tai nạn lao động tử vong.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, Đắk Lắk hiện có 5 đàn voi hoang dã, với số lượng khoảng từ 80 đến 110 cá thể, giảm từ 440 cá thể trở lên so với những năm 1980. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 con voi rừng bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân voi chết do bị săn trộm lấy ngà, lấy lông đuôi.
Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, nguyên nhân chính làm cho xung đột giữa người và voi rừng ngày càng gia tăng là do môi trường sống của voi rừng ngày càng bị thu hẹp, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, các đàn voi rừng đã phá hoại gần 80 ha hoa màu, làm chết 2 người, chủ yếu là ở các xã vùng sâu, biên giới của huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo.