ThienNhien.Net – Xu hướng tiêu dùng thế giới đang đề cao những sản phẩm mang nhãn hiệu FSC (Forest Stewardship Council – Hội đồng Quản lý Rừng), giúp bảo vệ nguồn rừng và tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh hằng năm diện tích rừng tự nhiên toàn cầu mất đi khoảng 9 triệu ha, chủ yếu do khai khác trái phép (ước tính của FAO – Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc), việc các doanh nghiệp hưởng ứng FSC và người tiêu dùng ủng hộ mạnh các mặt hàng này càng trở nên cần thiết.
FSC – chứng chỉ của tài nguyên tái sinh
Để phục vụ cho đời sống, con người đang sử dụng một trong hai loại tài nguyên thiên nhiên: loại không tái sinh được (dầu mỏ, khoáng sản…) và loại tái sinh được (có thể tái tạo, nuôi/trồng mới như gỗ, nhựa sinh học…).
Xu hướng hiện nay là ưu tiên dùng tài nguyên có thể tái sinh. Trong đó, việc lựa chọn các sản phẩm được chứng nhận FSC chính là góp phần thiết thực bảo vệ tài nguyên rừng bền vững. FSC là bộ tiêu chuẩn có giá trị toàn cầu, giúp người tiêu dùng phân biệt đâu là sản phẩm được khai thác từ rừng tái sinh, đâu là không.
Trên khía cạnh tiêu dùng, theo ThS Hoàng Hồng Hạnh – Ban Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Việt Nam, ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng, xem liệu sản phẩm của họ có thân thiện với môi trường hay không trước khi quyết định mua hàng.
Bao bì FSC – từ thế giới đến Việt Nam
FSC hiện có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 8.000 sản phẩm được cấp chứng chỉ, từ đồ gỗ nội thất đến văn phòng phẩm, giấy…, đặc biệt là bao bì giấy đựng thực phẩm lỏng như sữa tươi, nước ép trái cây… Thống kê cho thấy riêng tại Anh nhu cầu sử dụng các mặt hàng có chứng chỉ FSC liên tục tăng 2-3% mỗi năm.
Hiện mặt hàng bao bì giấy FSC đã có mặt tại hầu hết các nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Loại bao bì này liên tục được tung ra với chất lượng cao hơn. Hiện tại, hơn 20 tỉ bao bì có mặt trên thị trường của Tetra Pak – tập đoàn về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, được dán nhãn FSC, tăng 40% so với năm 2011.
Tại Việt Nam, gần đây các doanh nghiệp sữa cũng bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng tiêu chuẩn FSC trong hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện đã có sản phẩm sữa đựng trong bao bì FSC phục vụ người tiêu dùng. FrieslandCampina Việt Nam cũng đang chuẩn bị giới thiệu sản phẩm trong bao bì FSC vào tháng 8.
Ông Bert Jan Post, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam, cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi thị trường Việt Nam hưởng ứng xu hướng tiêu dùng các sản phẩm FSC khá nhanh và tích cực. Nhất là các doanh nghiệp và người tiêu dùng sữa Việt Nam đối với mặt hàng bao bì giấy FSC – vốn là mặt hàng được sử dụng hằng ngày với số lượng lớn. Đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần bảo vệ nguồn rừng và tài nguyên thiên nhiên”.