ThienNhien.Net – Những năm gần đây, tình trạng phá rừng xảy ra ngày một nhiều với các hành vi, thủ đoạn tinh vi làm nghèo tài nguyên rừng. Việc bảo vệ rừng khó khăn, cơ chế chính sách trong quản lý, khai thác còn nhiều bất cập. Nâng cao chất lượng rừng, ngăn chặn nạn phá rừng là việc làm cấp bách hiện nay.
Ngăn chặn tình trạng phá rừng
Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm 2013, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy là 721ha; phát hiện 903 vụ phá rừng, diện tích rừng bị phá 397ha. Riêng tại tỉnh Bình Phước, 6 tháng đầu năm xảy ra 408 vụ vi phạm, tăng 62 vụ so cùng kỳ năm 2012. Trong đó số vụ vi phạm về phá rừng trái pháp luật là 54 vụ, làm thiệt hại 56ha rừng tự nhiên, tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý lâm sản 354 vụ, tăng 67 vụ so cùng kỳ năm 2012. Không chỉ Bình Phước, nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đang đối diện với tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản, phá rừng trái pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Bộ NN&PTNT đã đề xuất thành lập cảnh sát rừng. Thực tế cho thấy, chế tài xử lý vi phạm về rừng còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe lâm tặc. Khó khăn lớn là lực lượng kiểm lâm mỏng, trang thiết bị hạn chế nên việc ngăn chặn các hành vi phá rừng gặp nhiều khó khăn. Việc thành lập lực lượng cảnh sát rừng là hết sức cần thiết, để có đầu mối quản lý, giám sát và xử lý vi phạm, ngăn chặn tình trạng phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép.
Trước đề xuất đó, tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm lâm giai đoạn 2012-2015 theo nội dung Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Các lực lượng kiểm lâm, công an, liên ngành cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ và xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng.
Khắc phục bất cập
Bên cạnh vấn đề ngăn chặn phá rừng thì việc nâng cao chất lượng rừng cần đặc biệt quan tâm. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, các địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng cả 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất, bảo đảm đa dạng sinh học. Tiếp tục triển khai trồng rừng tập trung với diện tích khoảng 150.500ha. Để kế hoạch trồng rừng được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch, các bộ, ngành trung ương cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt cần bố trí đủ nguồn vốn, kinh phí trồng rừng cho các tỉnh.
Rừng Việt Nam còn nghèo, chất lượng các loại rừng còn thấp. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chất lượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên có diện tích và trữ lượng lớn nhưng kích thước gỗ nhỏ, chất lượng kém, chưa thể đáp ứng nhu cầu cung cấp gỗ trong nước giai đoạn tới. Rừng trồng chủ yếu là trồng cây mọc nhanh, chu kỳ kinh doanh ngắn, năng suất thấp. Ngoài ra, diện tích đất lâm nghiệp chưa sử dụng còn lại để trồng mới rừng trong giai đoạn tới đang cằn cỗi, manh mún không đáp ứng yêu cầu để trồng rừng sản xuất có hiệu quả. Việc quy hoạch 3 loại rừng để quản lý đến nay cũng đã nảy sinh những bất cập. Do đó, cần rà soát đánh giá lại quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, chuyển số diện tích rừng còn lại sang rừng sản xuất. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu tập trung, phát triển và khai thác rừng hiệu quả, bền vững.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Đình Phúc đề nghị, thành phố cần tăng cơ chế hỗ trợ cho người trồng rừng, các chủ rừng, tăng cường thêm trang thiết bị, dụng cụ cho việc phòng chống cháy rừng, sớm cho triển khai việc cắm mốc giới rừng để bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng ngành nông nghiệp và 7 huyện có rừng cần thực hiện đúng quy hoạch về phát triển rừng của Hà Nội vừa được UBND TP phê duyệt, cần sớm thống nhất phương thức quản lý hiệu quả, hoàn thành kế hoạch trồng rừng hằng năm. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cần phối hợp hỗ trợ huyện Sóc Sơn có biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn cháy rừng, phá rừng, xâm hại đất rừng. Hà Nội cần thực hiện tốt việc giao khoán rừng cho tổ chức, hộ gia đình theo phương châm rừng phải có chủ mới bảo vệ được rừng. Cần xây dựng cơ chế, quản lý bảo vệ rừng rõ ràng, phải quản lý rừng tại gốc, tăng cường tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm cho các chủ rừng và người dân trong bảo vệ tài nguyên rừng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, từ năm 2000 đến nay, lĩnh vực lâm nghiệp có sự tham gia của 5 thành phần kinh tế, hình thành và phát triển nhiều loại hình tổ chức quản lý rừng khác nhau. Trong đó chính sách có tác động mạnh nhất đến việc hình thành các loại hình tổ chức này là chính sách giao đất, giao rừng. Để quản lý rừng tốt, nâng cao chất lượng rừng cần đổi mới cơ chế và tổ chức quản lý rừng theo hướng nâng cao quyền tự chủ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.